Hiện tượng giảm số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2013 và góc nhìn tuyển sinh "ba chung"
Thí sinh nộp hồ sơ thi đại học tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Tại sao lại có xu hướng đó, những nhân tố nào là tác động chính và liệu có ảnh hưởng gì đến tình hình tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực? Bên cạnh đó, kỳ thi "ba chung" tác động thế nào đến hồ sơ đăng ký dự thi cũng như công tác tuyển sinh?
Trước hết, cần khẳng định rằng, việc giảm số lượng 100 nghìn hồ sơ ÐKDT, tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013 so với năm 2012 không ảnh hưởng đến kỳ thi, tuyển sinh. Tính trung bình mỗi thí sinh vẫn đăng ký khoảng 1,8 bộ hồ sơ dự thi. Như vậy trong ba đợt tổ chức thi, trung bình mỗi thí sinh dự thi hai đợt, vẫn là khá nhiều. Nếu học và ôn thi tốt thì thí sinh cũng chỉ cần dự thi một đợt là bảo đảm kết quả thi và điều kiện cần thiết để đăng ký xét tuyển ÐH, CÐ. Dự thi càng ít thì càng đỡ căng thẳng và đỡ tốn kém. Vì hiện nay, với cơ chế mỗi thí sinh được cấp ba giấy báo điểm thi (giấy gốc), nếu thi hai đợt là có sáu giấy báo điểm thi và trong mỗi đợt xét tuyển các thí sinh lại có thể tự do lựa chọn thời gian, nhiều lần đăng ký xét tuyển. Vậy có những nhân tố nào đã tác động đến xu thế giảm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đó?
Thứ nhất, số học sinh lớp 12 toàn quốc năm nay giảm, do đó số học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi năm nay giảm 17.507 thí sinh (1,82%) so với năm 2012. Nếu cứ tính trung bình mỗi học sinh làm hai bộ hồ sơ ÐKDT vào ÐH, CÐ thì số thí sinh giảm của thi tốt nghiệp THPT sẽ tất yếu dẫn đến số hồ sơ ÐH, CÐ giảm khoảng 35 nghìn bộ (chiếm hơn một phần ba trong tổng số giảm của hồ sơ ÐH, CÐ). Ðây là con số giảm "cứng" tự nhiên dù có các nhân tố khác tác động hay không.
Thứ hai, thị trường lao động và việc làm đã tác động đến suy nghĩ của học sinh lớp 12. Khi học xong bất cứ ngành nghề nào ở bậc ÐH, CÐ, các em cũng mong muốn có ngay việc làm để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình, tạo nền móng cho một tương lai mới. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản, thị trường lao động bị thu hẹp, sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề để kiếm sống, điều đó đã tác động đến tâm lý của học sinh tốt nghiệp THPT lớp 12 khi ÐKDT, tuyển sinh ÐH, CÐ.
Thứ ba, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc chi phí khi học ÐH, CÐ (nếu thi đỗ) là cả một vấn đề lớn đối với gia đình học sinh. Thu nhập của nhiều gia đình không thể đủ chu cấp cho con em họ ăn học ở ÐH, CÐ trong 3 đến 5 năm. Mặc dù, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã giúp những sinh viên nghèo được vay vốn để học nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% chi phí, trong khi giá cả sinh hoạt ngày một "leo thang", nhất là lương thực, thực phẩm. Vì vậy, nhiều học sinh không tiếp tục cuộc đua tranh vào ÐH, CÐ mà đi tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Thứ tư, công tác tư vấn mùa thi kịp thời, cụ thể và chi tiết của các phương tiện thông tin đại chúng cùng với việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành kinh tế, quản trị kinh doanh của Bộ GD và ÐT đã giúp cho học sinh cân nhắc cẩn thận hơn trong việc làm hồ sơ ÐKDT và chọn ngành nghề. Theo thống kê năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm kinh tế và quản lý giảm 10,5%; các nhóm ngành khác đều có tỷ lệ tăng như: Khoa học - giáo dục tăng 3,1%, Công nghệ kỹ thuật 0,5%, Sức khỏe 1,7%, Môi trường và bảo vệ môi trường 1,4%, nhóm ngành Nông, Lâm, Thủy sản tăng 0,3% so với năm 2012.
Mặt khác, về công tác tổ chức thi, tuyển sinh, những năm gần đây, một số ý kiến cho rằng kỳ thi "ba chung" đã hết sứ mệnh. Nếu bây giờ chúng ta xây dựng được một phương án tuyển sinh hay hơn, tiến bộ hơn "ba chung" thì có nghĩa là nó đã hoàn thành sứ mạng. Tuy nhiên, thực tế, việc thi theo hình thức "ba chung" đã giải quyết được một số vấn đề, nhất là bảo đảm được kỷ cương trong thi cử, khắc phục được việc dạy thêm, học thêm tràn lan, hiện tượng tiêu cực trong thi cử khi mỗi trường tuyển sinh riêng. Chỉ sau một vài năm áp dụng thi "ba chung", kỷ cương được lập lại, tạo nên một "bức tranh" tổng thể về hệ thống giáo dục ÐH có thứ tự xếp hạng tương đối khách quan và tự nhiên giữa các trường thông qua điểm tuyển. Tất nhiên, điểm tuyển cao không phải chỉ là do trường đào tạo tốt, mà còn do ngành đào tạo đang thu hút thí sinh, nhưng ít nhiều, điểm tuyển từ một kỳ thi chung cũng đã sắp xếp các trường theo một trật tự. Quan trọng hơn, thi "ba chung", trong đó có điểm sàn, đã tạo nên sự công bằng cho các thí sinh. Trong hơn mười năm qua, số thí sinh trúng tuyển vào ÐH có đến 65%-70% ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được cạnh tranh sòng phẳng với những thí sinh ở nơi có điều kiện học tập tốt hơn. Việc thí sinh tự do di chuyển giữa các trường, các vùng miền một cách tự nhiên, dựa trên kết quả một kỳ thi duy nhất, thông qua các nguyện vọng mà không hạn chế "vùng tuyển" như trước đây, đã tạo ra "cơ chế mở" cho thí sinh.
Ðáng chú ý, việc xây dựng điểm sàn khác nhau cho các vùng, miền khác nhau, cho các hình thức đào tạo khác nhau là không hợp lý, vì trong tuyển sinh đã có quy định điểm ưu tiên cho đối tượng và khu vực (vùng cao, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, vùng nông thôn, con em thuộc diện chính sách, v.v.), chênh lệch điểm tối đa của số này so với học sinh ở các thành phố trực thuộc trung ương đã là 3,5 điểm; hơn nữa đã có hàng chục nghìn chỉ tiêu tuyển sinh khác cho hệ cử tuyển, dự bị và quy định xét tuyển cho học sinh dân tộc thiểu số... Vì vậy, số còn lại cần có một sân chơi bình đẳng là cần thiết. Ðiểm sàn chỉ là yêu cầu tối thiểu để lựa chọn các em có đủ năng lực, kiến thức của học sinh phổ thông có khả năng tiếp tục học bậc ÐH, CÐ.
Một số khó khăn vài năm vừa qua trong công tác tuyển sinh của một số trường ngoài công lập không phải do phương án thi "ba chung" đem lại mà là do hai nguyên nhân chính: Một là, việc giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu nhưng do các trường công lập, "tốp trên", "tốp trung" xây dựng quy mô quá lớn, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thậm chí thí sinh cứ trên điểm sàn là trúng tuyển đã gây khó khăn trong việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập. Hai là, hội đồng xác định điểm sàn, không nên quá cứng nhắc trong việc xác định điểm sàn, bởi điểm sàn có giảm 0,5 điểm thậm chí hai điểm cũng không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu tuyển sinh. Vì nguyên tắc xét tuyển là lấy từ trên xuống đến hết chỉ tiêu đã được công bố. Quan trọng là các trường công lập, "tốp trên", "tốp trung" phải có ý thức trong việc chấp hành nguyên tắc tuyển sinh, chỉ cần tuyển đến 85% chỉ tiêu là đạt mục tiêu, nếu có vượt chỉ tiêu thì cũng chỉ vượt từ 5% đến 10% là cùng, không nên "vơ vét" thí sinh để các trường khác không còn nguồn tuyển.
Tất nhiên, điểm sàn không thể quá thấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của hệ thống giáo dục ÐH. Ðiểm sàn không có "lỗi" trong việc một số trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Các trường tự xác định chỉ tiêu, tự chủ trong xét tuyển nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi, giám sát, phát hiện những nơi làm sai. Quan trọng là phải quy trách nhiệm, cam kết bằng văn bản, hiệu trưởng phải chấp hành cam kết đó, công khai kịp thời, chính xác số liệu về tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội và các đơn vị khác cùng giám sát. Không khó để kiểm tra quy mô tuyển sinh của các trường và đây là trách nhiệm của Bộ GD và ÐT. Phát hiện nơi nào tuyển quá chỉ tiêu cho phép, kiên quyết xử lý một vài trường hợp thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Khi ấy các trường "tốp dưới" sẽ đủ nguồn tuyển. Hơn nữa, các trường ngoài công lập cũng cần chứng minh thương hiệu của mình qua xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, v.v. Việc một số trường ngoài công lập đã trình Bộ GD và ÐT phương án tuyển sinh riêng rất đáng hoan nghênh vì các trường chủ động trình các phương án tuyển sinh theo tinh thần "tự chủ đại học". Tất nhiên, tính hợp lý cần phải nghiên cứu và xem xét.
Ngoài ra, để thực hiện Luật Giáo dục ÐH, giao quyền tự chủ cho các trường trong đó hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh, cần xây dựng được một ngân hàng đề thi chuẩn. Nhiều nước quanh ta vẫn tổ chức thi tuyển sinh đại học. Các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh... vẫn tổ chức thi ÐH nhưng chỉ có một kỳ thi do một tổ chức khảo thí độc lập triển khai và cho kết quả tin cậy. Các trường cũng có thể sử dụng kết quả thi đó, kết hợp với một số kết quả kiểm tra khác để xét tuyển. Ðể có được kết quả tin cậy, ngoài công tác tổ chức thi, chấm thi nghiêm túc, thì ngân hàng đề thi phải chuẩn. Chúng ta không thiếu nhân lực, đội ngũ chuyên gia, giáo viên ra đề rất đông đảo, chỉ cần có tổ chức và có đầu tư là làm được. Ðây là điều kiện tiên quyết để thay đổi phương án thi tuyển sinh và để các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh một cách hiệu quả nhất.
Nguồn nhandan.com
Tin cùng chuyên mục
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
Xem tin theo ngày
-
Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn