Thứ 4, 08/01/2025, 21:58[GMT+7]

Kiên quyết chống lạm thu trong trường học

Thứ 3, 26/09/2023 | 08:44:28
4,125 lượt xem
Mỗi khi vào năm học mới, câu chuyện lạm thu trong trường học lại được xã hội quan tâm bàn luận. Để chống lạm thu, việc siết chặt, chấn chỉnh kịp thời tại mỗi cơ sở giáo dục là điều quan trọng song hơn hết phải là ý thức, sự chuẩn mực từ đội ngũ nhà giáo và đặc biệt lãnh đạo các trường.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học và THCS Tân Hòa (Hưng Hà).

Kịp thời chấn chỉnh

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học vừa qua, giáo viên chủ nhiệm các lớp học của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tông Quai (xã Hòa Tiến, Hưng Hà) đã thông báo các khoản thu đầu năm học đến phụ huynh học sinh, đồng thời phát phiếu lấy ý kiến về việc học kỹ năng sống và phiếu đăng ký học tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những phụ huynh nhất trí thì cũng còn rất nhiều phụ huynh không đồng ý cho con tham gia các lớp học này. 

Ông Nguyễn Tiến Quỳnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời điểm này, nhà trường mới chỉ dừng ở việc công khai các khoản thu và lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, chưa thực hiện thu bất kỳ khoản nào. Thông qua việc phát phiếu đăng ký học tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài để nắm bắt nguyện vọng và số lượng học sinh tham gia, từ đó xây dựng kế hoạch và trình các cấp. Khi có văn bản cụ thể, nhà trường sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trên tinh thần tự nguyện của học sinh cũng như cha mẹ học sinh.

Xoay quanh việc học tiếng Anh được tăng cường với giáo viên nước ngoài, ngày 15/9/2023, UBND huyện Hưng Hà đã ra văn bản yêu cầu dừng ngay việc liên kết với công ty, trung tâm ngoại ngữ triển khai mở lớp tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho học sinh. Đồng thời, giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẩn trương tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch “Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong các trường tiểu học, THCS, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Hưng Hà giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có việc tổ chức dạy chương trình tiếng Anh tăng cường theo đúng quy định.

Cũng trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền phiếu thông báo các khoản thu đầu năm học của Trường THPT Diêm Điền, bao gồm 10 đầu mục với tổng số tiền đóng góp của một học sinh lớp 10 là 5.260.000 đồng. 

Làm việc với phóng viên, ông Đỗ Văn Đại, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường THPT tư thục nên nhà trường được chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Đồng thời, thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết cho từng khóa học, khối lớp, năm học theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã phân tích rõ từng khoản thu, tuy nhiên phần lớn phụ huynh cho rằng sổ liên lạc điện tử và Smas không phù hợp với thời đại hiện nay nên nhà trường đã bỏ khoản thu này. Như thế, học sinh khối 10 của trường sẽ đóng 5.160.000 đồng trong dịp đầu năm học mới. 

Làm rõ về các khoản thu, ông Đỗ Văn Đại, Hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm: Các khoản thu xã hội hóa đó bao gồm tiền lắp điều hòa, cửa sổ nhôm kính, vách tường và một số cơ sở vật chất phục vụ cho chính lớp học của các em lớp 10. Phòng học này các em sẽ sử dụng trong 3 năm học phổ thông, đồng nghĩa với việc năm lớp 11 và 12 sẽ không phải đóng góp thêm khoản nào nữa. Tuy nhiên, qua sự việc lần này, Ban Giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp rút kinh nghiệm trong việc triển khai các khoản thu, trong đó chú trọng việc phân tích và giải đáp để nhận được sự tin tưởng của cha mẹ học sinh.

Minh bạch, cụ thể hóa

Một trong những nguyên nhân khiến lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm bởi sự thiếu minh bạch, chưa cụ thể hóa các khoản thu chi trong nhà trường. Điều đó khiến không ít phụ huynh không phân biệt rõ đâu là khoản thu bắt buộc, đâu là khoản tự nguyện.

Để lạm thu không có “cửa lách”, 2 năm nay, các trường học trên địa bàn thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) thực hiện công khai tất cả các khoản thu trên hệ thống loa truyền thanh để phụ huynh và nhân dân cùng nắm rõ, tránh trường hợp lạm thu, thu không đúng quy định. 

Bà Giang Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền cho biết: Năm học này là năm thứ 3 nhà trường thực hiện các khoản thu theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức học phí và chính sách hỗ trợ học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Các khoản thu năm nay giữ ổn định như năm học trước, chỉ có tiền ăn bán trú tăng 1.000 đồng/bữa do nguồn thực phẩm tăng. Vì vậy, nhà trường luôn nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. 

Còn bà Ngô Thị Minh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Diêm Điền chia sẻ: Nhà trường hiện đang có 2 khu. Để tạo sự tin tưởng của phụ huynh và nhân dân địa phương, nhà trường kêu gọi xã hội hóa giáo dục trên tinh thần tự nguyện, không có mức trần và học khu nào ủng hộ khu đấy.

Phụ huynh học sinh Trường Mầm non Nguyễn Tông Quai (Hưng Hà) theo dõi các khoản thu đầu năm được niêm yết công khai tại cửa lớp.

Công khai, minh bạch, cụ thể hóa các khoản thu cũng là vấn đề mà Trường Mầm non Nguyễn Tông Quai (Hưng Hà) đặc biệt chú trọng. Bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã niêm yết công khai các khoản thu ở bảng thông tin nhà trường và trước cửa các lớp học để xin ý kiến cha mẹ học sinh. Đối với công tác xã hội hóa giáo dục, chúng tôi xây dựng dự toán cụ thể, chi tiết từng mục, xin ý kiến phụ huynh và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, những năm qua nhà trường luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

Ông Hoàng Duy Dân, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) chia sẻ: Các khoản thu của nhà trường luôn rõ ràng, chi tiết và đúng quy định nên phụ huynh chúng tôi nhất trí cao. Về khoản thu do ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi, năm học này dự kiến đóng 30.000 đồng/cháu, chi hoàn toàn cho hoạt động của các cháu trong các dịp lễ, tết hoặc thăm hỏi. Đây cũng là mục đích mà ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học và THCS Tân Hòa (Hưng Hà) đứng ra kêu gọi mỗi phụ huynh đóng góp 20.000 đồng/học sinh/năm. 

Anh Trương Ngọc Ánh, Phó ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường chia sẻ: Do điều kiện kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp, đời sống nhân dân chưa cao nên chúng tôi thống nhất chỉ thu một quỹ duy nhất là quỹ hội phụ huynh trường. Số tiền trên nhằm phục vụ cho hoạt động của học sinh toàn trường.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Trước thềm năm học mới, Phòng đã quán triệt, chỉ đạo đến tất cả cơ sở giáo dục thu đúng nội dung, đúng định mức với các khoản thu quy định mức trần; nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Tổ chức phân kỳ các khoản thu để không thu dồn, thu ghép gây gánh nặng cho cha mẹ học sinh. Tổ chức thu khi được cha mẹ học sinh đồng thuận và cấp có thẩm quyền phê duyệt và công khai tất cả các khoản thu trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn để cha mẹ và nhân dân giám sát. Chúng tôi kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các sai phạm nếu có và người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm.

Đối với huyện Hưng Hà, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không chỉ tổ chức họp, quán triệt đến từng hiệu trưởng mà nhân viên kế toán của tất cả cơ sở giáo dục cũng được triệu tập họp riêng để yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng quy trình và quy định thực hiện các khoản thu đầu năm học. 

Ông Lê Quốc Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Vai trò, trách nhiệm của mỗi hiệu trưởng trong công tác chống lạm thu hơn lúc nào hết cần được nêu cao và phát huy. Về phía Phòng cũng thành lập các đoàn kiểm tra nền nếp đầu năm học, trong đó có việc thực hiện các khoản thu. Chúng tôi kiên quyết nói không với tiêu cực, xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu.

Từ tháng 8/2023, Sở ban hành hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các khoản thu theo đúng quy định. Trong đó, chú trọng phân bổ thời điểm thu hợp lý, không tập trung các khoản thu vào đầu năm học; hạn chế tối đa tác động của các khoản thu đến kinh tế gia đình người học. Các bộ phận có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình với người học, cha mẹ học sinh và xã hội về các khoản thu của các cơ sở giáo dục. Xem xét, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu. Đặc biệt, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh thu các khoản thu ngoài quy định.

Ông Nguyễn Viết Hiển
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo


Đặng Anh