Thứ 6, 27/12/2024, 20:19[GMT+7]

Dạy thêm, học thêm: Vấn đề cũ cần giải pháp mới Kỳ 1: Chấn chỉnh và tái diễn

Thứ 2, 27/11/2023 | 08:32:47
2,695 lượt xem
Cách đây 26 năm, trong chỉ thị nhiệm vụ năm học 1997 - 1998, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Từ đó đến nay, số công văn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành không thể thống kê hết. Tuy nhiên, đến nay tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn còn hết sức phức tạp, xuất phát từ cả phía người dạy và người học.

Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tông Quai (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà) sử dụng trang thiết bị hiện đại trong dạy học.

Xuất phát từ đâu?

Với suy nghĩ muốn con có một mùa hè bổ ích, ý nghĩa, chị Nguyễn Thúy Hà, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) không cho con đi học thêm; thay vào đó, chị cho con về quê thăm ông bà và tham gia các hoạt động trải nghiệm để hình thành cho con các kỹ năng sống cần thiết. Tuy nhiên, những buổi đầu năm học mới chị mới “tá hỏa” vì có rất nhiều bài toán con chị không giải được. 

Chị Hà chia sẻ: Tôi đã tìm hiểu sách giáo khoa lớp 3 của con và thấy rằng kiến thức cũng không quá khó, học kỳ I con chủ yếu học nhân chia và các bài toán cơ bản áp dụng phép tính đó. Nhưng chỉ sau mấy buổi học đầu năm, cả tôi và con đều không giải được những bài toán cô giáo giao về nhà làm. Tôi không nghĩ rằng kiến thức của học sinh lớp 3 lại khó vậy. Vì thế, ngoài cho con học thêm nhà cô giáo chủ nhiệm, tôi phải tìm một giáo viên kèm riêng cho con tại nhà với mục đích “theo kịp bạn bè”.

Trường hợp như của chị Hà không phải hiếm. Chị Mai Thị Thu Hoa, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) cho biết: Vào đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi ra một đề khảo sát để đánh giá chất lượng của từng học sinh, từ đó có phương pháp dạy học hiệu quả. Đối với tôi cũng như nhiều phụ huynh khác thì việc khảo sát này hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là con tôi chỉ làm được 1/3 bài khảo sát đó. Con bảo những bài kia con chưa học nên không làm được. Hỏi ra mới biết trong dịp nghỉ hè lớp có một số bạn học thêm nhà cô nên có thể làm được những bài toán đó. Vì vậy, mặc dù cô không đặt vấn đề nhưng tôi cũng xin cho con học ở nhà cô để con không bỡ ngỡ khi học lớp mới.

Hiện nay, tâm lý theo số đông vẫn còn phổ biến trong phụ huynh và học sinh. Thấy con nhà người ta đi học thêm thì mình cũng phải cho con đi học thêm mới yên tâm. Nhiều học sinh, nhất là học sinh tiểu học không có nhu cầu đi học thêm, ở nhà có thể tự học được nhưng trước sức ép của bố mẹ nên đành phải đi học thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu xuất phát từ người học thì hiện vẫn còn khá nhiều giáo viên tự tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Chị Nguyễn Thị Thu, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) tâm sự: Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi thông qua trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để thông báo và nhận đăng ký cũng như xếp lịch học thêm cho các con. Hàng tháng, tiền đóng học thêm cũng gửi vào số tài khoản cá nhân của phụ huynh này để gửi lại cho cô. Do lớp đông nên chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm học 2 buổi/tuần. Dù không muốn cho con đi học thêm nhưng cô giáo chủ động đặt vấn đề nên tôi cũng đăng ký cho con.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, mỗi nhóm có khoảng 20 - 25 học sinh, mỗi buổi đóng 60.000 đồng. Với 2 nhóm dạy thì một tháng trung bình mỗi cô giáo sẽ thu về 15 - 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với tiền lương ở trường. Một khoản thu hấp dẫn như vậy khó ai có thể từ chối.

“Thị trường” sôi động

Thành phố Thái Bình là “điểm nóng” tình trạng dạy thêm, học thêm. Tối tối, vào khoảng 19 giờ và 21 giờ, tại các ngả đường, không khí phụ huynh đưa đón con, học sinh tan học diễn ra sôi động. Tháng 4/2023, UBND thành phố Thái Bình đã có những biện pháp mạnh chấn chỉnh tình trạng này khi lần đầu tiên tiến hành xử lý kỷ luật 3 giáo viên vi phạm hoạt động dạy thêm. Cụ thể, cho nghỉ việc 1 giáo viên tập sự và điều chuyển 2 giáo viên sang trường khác trên địa bàn. Đồng thời, giao trách nhiệm cho từng đơn vị, trong đó yêu cầu tất cả các phường, xã phải tham gia và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định diễn ra trên địa bàn; Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường yêu cầu giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm trái quy định dưới mọi hình thức; tăng cường kiểm tra, xử lý các giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Thời điểm ấy, việc dạy thêm, học thêm gần như “đóng băng”, không còn tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian các lớp dạy thêm lại được mở lại, nhiều như “nấm sau mưa”.

Ông Nguyễn Ngọc Dư, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết: Dạy thêm, học thêm không phải là câu chuyện mới trong ngành giáo dục. Từ một hoạt động ban đầu được đánh giá tốt, theo thời gian, hoạt động sư phạm này ngày càng biến tướng, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Cứ đến hẹn lại lên, từ khai giảng năm học 2023 - 2024 đến nay chúng tôi nhận được khá nhiều phản ánh của cử tri về tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Học cả ngày ở trường chưa đủ, học sinh phải học thêm cả buổi tối và các ngày nghỉ. Thực trạng này xuất phát từ nhiều phía, trong đó xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh và có cả xuất phát từ yêu cầu của giáo viên. Giám sát trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục, nhất là những cơ sở giáo dục ở thành phố Thái Bình, mặc dù lãnh đạo nhà trường khẳng định không có tình trạng giáo viên dạy thêm trái quy định, tuy nhiên qua phản ánh của cử tri thì vẫn còn những lớp dạy thêm, học thêm tràn lan, nhất là những lớp dạy thêm ngoài giờ lên lớp cho học sinh tiểu học.

Khó khăn trong quản lý

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh vẫn đang thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Ngày 28/2/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản số 115 hướng dẫn chi tiết một số nội dung trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, trong đó nêu rõ “không tổ chức dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học. Đồng thời, không tổ chức dạy thêm, học thêm sau 17 giờ hàng ngày và không dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật. Đối với cấp THCS, THPT, căn cứ nhu cầu của học sinh, sự đồng ý của cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng của đơn vị để tổ chức dạy thêm nhưng không quá 1 buổi/ngày, 3 tiết/buổi, 4 buổi/tuần đối với cấp THCS và 5 buổi/tuần đối với cấp THPT”. Sau quá trình triển khai thực hiện, hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra và kiểm tra.

Ông Vũ Văn Nhiều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải chia sẻ: Mặc dù nhà trường đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động 45 cán bộ, giáo viên và 877 học sinh ký cam kết không dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng việc quản lý rất khó khăn khi nhiều cha mẹ học sinh mong muốn con mình học hành tiến bộ, có đủ năng lực để có thể tham gia học tập ở các bậc cao hơn hoặc tham gia các cuộc thi trên internet nên chủ động đặt vấn đề tổ chức học thêm với giáo viên. Vì vậy, để siết chặt quản lý hoạt động này, chúng tôi mong các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những bất cập của hoạt động dạy thêm, học thêm nếu có để mang tính răn đe, giáo dục cán bộ, giáo viên.

Tại Trường Tiểu học Thanh Nê (Kiến Xương), nhà trường đã thực hiện khá nghiêm túc công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về việc dạy thêm, học thêm nhưng vẫn còn một số giáo viên tổ chức dạy nhóm nhỏ ngoài nhà trường. Bà Trần Thị Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn cho biết: Phần lớn cán bộ, giáo viên trong trường thực hiện khá nghiêm túc nhưng một số giáo viên tổ chức dạy nhóm nhỏ dựa trên nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Với những trường hợp này, nhà trường đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền để giáo viên rút kinh nghiệm, thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm.

Có “cầu” ắt có “cung”, lớp học nhà cô vẫn được mở sau những lần ngành giáo dục và các địa phương siết chặt. Mặc dù UBND tỉnh và ngành giáo dục đã có những văn bản quy định về việc dạy thêm, học thêm song cứ chấn chỉnh rồi lại tái diễn. Để việc dạy thêm, học thêm tuân thủ theo đúng quy định, thực sự hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời bảo đảm sức khỏe và sự phát triển thể chất của học sinh rất cần có sự hợp tác và đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh.

Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải yêu cầu cán bộ, giáo viên không dạy thêm văn hóa ngoài nhà trường.

(còn nữa)
Đặng Anh