Thứ 6, 22/11/2024, 17:05[GMT+7]

Dạy thêm, học thêm: Vấn đề cũ cần giải pháp mới Kỳ 2: cần được giải quyết từ gốc

Thứ 3, 28/11/2023 | 08:22:59
2,679 lượt xem
Sau gần 40 năm cải cách giáo dục (từ năm 1986), việc dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Để dạy thêm, học thêm phát triển lành mạnh và đúng ý nghĩa thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất đó chính là sự tự nguyện hoàn toàn từ yêu cầu chính đáng của người học.

Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo tổ chức cho học sinh học đi đôi với hành.

Phân cấp rõ ràng

Dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông là nhu cầu có thật. Nhưng làm sao để hoạt động này không trở thành vấn đề tiêu cực lại là điều đáng bàn. Tại Thái Bình, để tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm trái quy định, ngành giáo dục và các địa phương đã được phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng. Trong đó, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định khác theo pháp luật. Trường hợp thành lập doanh nghiệp thực hiện trong lĩnh vực giáo dục cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Các cá nhân có nhu cầu dạy thêm phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh về hoạt động dạy thêm, học thêm, thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy của mình theo hợp đồng. Cùng với đó, tỉnh giao trách nhiệm cụ thể đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ sở giáo dục. Trong đó, phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm quản lý việc dạy thêm, học thêm.

Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo kịp thời chấn chỉnh các sai phạm của cán bộ, giáo viên trong dạy thêm, học thêm, đặc biệt không để xảy ra tình trạng giáo viên ép buộc học sinh học thêm; dạy thêm cho học sinh của mình đang trực tiếp dạy trên lớp chính khóa chưa được hiệu trưởng xem xét đồng ý; xử lý nghiêm những giáo viên dạy thêm trái quy định. Nhờ phân cấp quản lý rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân nên trong thời gian vừa qua nhìn chung các trường học trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm đúng quy trình và các loại hồ sơ theo quy định.

Tại thành phố Thái Bình, việc quản lý dạy thêm, học thêm đã được phân cấp cụ thể cho từng đơn vị. Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Chúng tôi công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh trực tiếp của phụ huynh cũng như người dân. Đồng thời, trực tiếp kiểm tra hoặc phối hợp với các phòng, ban kiểm tra liên ngành, đột xuất các nhà trường. Các đợt kiểm tra của Phòng mỗi tháng 2 - 3 đợt, mỗi đợt 3 - 5 ngày. Cùng với đó, phát phiếu hỏi trắc nghiệm cho học sinh tại trường hoặc kiểm tra đột xuất tại nhà giáo viên vào các khung thời gian 16 giờ 40 phút - 17 giờ 15 phút, 18 giờ 30 phút - 19 giờ 15 phút, mỗi lần kiểm tra 2 - 3 địa điểm. Hàng tháng, Phòng giao cán bộ quản lý các cấp học thông báo các đơn vị, cá nhân vi phạm và chấn chỉnh toàn ngành việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm. Phối hợp với UBND phường, xã kiểm tra hoạt động của một số trung tâm tiếng Anh, tin học. Đối với một số trung tâm cho giáo viên tiểu học thuê địa điểm để dạy văn hóa, UBND thành phố đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh kịp thời các trung tâm trên.

Tạo sự đồng thuận để nói không với dạy thêm, học thêm tràn lan

Bản chất dạy thêm, học thêm là tốt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện xuất hiện nhiều tiêu cực, nhức nhối, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của người giáo viên, làm sút giảm lòng tin của nhân dân đối với ngành giáo dục. Do đó, dạy thêm, học thêm nhất định phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học. 

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ: Ngày nay, khối lượng kiến thức lớn khiến nhu cầu học thêm của người học tăng cao. Đây là nhu cầu chính đáng nếu như con em mình tự nguyện và học tập tiến bộ khi tham gia các lớp học thêm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi quan điểm và nói không với việc ép con em mình học thêm. Không nên tạo thêm sức ép cho con mà cần để các con nghỉ ngơi, vui chơi hoặc làm những gì mà các con yêu thích. Mỗi tối, cha mẹ dành thời gian để trò chuyện về việc học tập theo chiều hướng tích cực, động viên, khích lệ để con mình ngày càng tiến bộ hơn.

Cùng chung quan điểm, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Kha, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh chia sẻ: Chúng ta phải thực hiện theo đúng quy định đó là không được dạy thêm ở cấp tiểu học. Đối với cấp THCS, THPT, các bậc phụ huynh và học sinh thường tín nhiệm và có nhu cầu chính đáng xin học các thầy cô giáo có chuyên môn tốt cũng như có năng lực, phẩm chất để dạy thêm các em. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc và bảo đảm tính bền vững, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trái quy định, cần phải có giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Bà Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho rằng, siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định là đúng, tuy nhiên phải thấy rằng việc học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh và các bậc phụ huynh có con em đang ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, nhu cầu học thêm của học sinh là rất lớn, nhất là những em lớp 8, lớp 9 muốn ôn luyện thêm kiến thức để thi vào các trường THPT. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Hướng dẫn số 115 là một hướng mở để đáp ứng nguyện vọng được học thêm, tích lũy kiến thức của học sinh.

Hiện nay, chương trình GDPT 2018 đang được áp dụng ở các khối lớp: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Học chương trình mới, cha mẹ không thể dạy con học ở nhà nên đã đẩy tâm lý không yên tâm của phụ huynh lên một bậc khiến tình trạng dạy thêm, học thêm ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm hiểu và nhìn nhận một cách thực tế bởi chương trình hướng đến phát triển năng lực học sinh, kiến thức sách giáo khoa bảo đảm cơ bản vừa đủ, dạy các em cách học và học thông qua thực hành. Ngoài kiến thức phổ thông, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em. Do vậy, mục tiêu khi thực hiện chương trình GDPT mới, học sinh không nhất thiết phải học thêm mà cái chính là cần thực hành thêm, trải nghiệm thêm qua các hoạt động ngoài giờ chính khóa được tổ chức ngay trong nhà trường. Để thực hiện được mục tiêu trên và hạn chế tối đa tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trái quy định, ngành giáo dục cần sớm ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc liên kết với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống, trung tâm tiếng Anh để tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoài giờ lên lớp. 

Chị Phạm Thị Lan, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) mong muốn con mình sẽ được tham gia các lớp kỹ năng sống sau mỗi giờ học chính khóa để phát triển toàn diện. Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nếu có cần thực hiện một cách trung thực, minh bạch và mong rằng các thầy cô giáo sẽ “đối xử công bằng” giữa học sinh đi học thêm và học sinh không đi học thêm để các con được tiếp cận nền giáo dục nhân văn.

Số văn bản ban hành quy định về dạy thêm, học thêm không thể thống kê hết; các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất được các ngành, địa phương thực hiện thường xuyên; xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm; tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn tái diễn sau những đợt chấn chỉnh. Do đó, kể cả khi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc thì quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên và sự tự nguyện, đồng thuận của người học. Có như thế, việc dạy thêm, học thêm mới được thực hiện theo đúng quy định, từ đó tạo sự tin tưởng của nhân dân với ngành giáo dục.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Đặng Anh