Thứ 6, 09/08/2024, 19:59[GMT+7]

Hành trang cho trẻ vào lớp 1

Thứ 3, 23/07/2013 | 08:44:40
1,399 lượt xem
Chỉ còn hơn một tháng nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới. Vào thời điểm này, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng không biết cần chuẩn bị những gì cho con em mình khi bước vào lớp 1. Không ít gia đình đã thuê gia sư về rèn chữ cho con và coi đó như một "bước đệm" trước khi vào lớp 1.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Thái Bình) trong ngày khai giảng. Ảnh: Thành Tâm

Giai đoạn từ trường mầm non chuyển sang trường tiểu học (TH) là một bước ngoặt lớn đối với cả học sinh và phụ huynh. Hành trang cho trẻ vào lớp 1 ở đây không thể chỉ hiểu là những con số, những chữ cái mà rộng hơn thế, đó là giáo dục về tư duy, đạo đức cũng như kỹ năng sống cho trẻ. Ở nhiều trường TH hiện nay, tình trạng trẻ học lớp 1 không tự đi vệ sinh được, thậm chí không tự xúc cơm, tự thu dọn đồ dùng học tập… không phải là hiếm. Nguyên nhân có thể do môi trường giáo dục mầm non chưa rèn luyện cho trẻ những thói quen cần thiết hoặc do chính bố mẹ trẻ chưa dạy cho trẻ thói quen biết tự lập từ nhỏ. Đứng trước thực trạng này, nhiều giáo viên TH trăn trở: "Đến khi nào trẻ mới có thể tự lập?".

"Liệu con có quấy khóc và khó thích nghi khi mới vào lớp 1?" là câu hỏi của hầu hết phụ huynh khi cho con vào một môi trường học tập mới. Bởi thế, điều quan trọng là phải chuẩn bị tâm lý để con không có sự thay đổi đột ngột. Nhiều giáo viên cho rằng nên tập cho trẻ những thói quen, cách sinh hoạt mà môi trường giáo dục truyền thống chưa có, đó là tính kỷ luật, độc lập trong sinh hoạt… Nếu không tập sớm, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái thiếu tự tin so với các bạn cùng lứa tuổi.

Chị Mai Thị Duyên (phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình) tâm sự: Cháu nhà tôi khá hiếu động và có phần nghịch hơn bạn bè. Tôi đang rất lo rằng không biết cháu có hòa nhập được với môi trường học tập mới không, đến lớp cháu có làm ảnh hưởng đến các bạn khác không, cháu có thể tự ăn cơm không…". Thực tế trên cho thấy, vào lớp 1 không chỉ đơn giản là đọc, viết thành thạo.

Trước khi vào lớp 1, các bậc phụ huynh nên dành thời gian đưa con mình đến tham quan môi trường học tập mới, gặp gỡ và trò chuyện với thầy cô mới, bạn bè mới để tránh tình trạng bỡ ngỡ cho trẻ. Cùng với phụ huynh, giáo viên các trường TH nên quan tâm nhiều hơn đến tâm trạng của trẻ, nên hỏi han, trò chuyện với trẻ nhiều hơn về sở thích cũng như mong muốn khi trẻ bước vào lớp 1. Rất nhiều phụ huynh do bận mải công việc nên chỉ đến đón con rồi về luôn chứ không trò chuyện cô giáo xem hôm nay con học thế nào, có tự xúc cơm ăn không hay có tự đi vệ sinh được không… Về nhà, phụ huynh cũng không hỏi về sinh hoạt của con khi ở lớp mà chỉ tập trung hỏi là hôm nay con được mấy điểm, cô giáo có khen con không… Thật sự, việc làm trên đã không tạo được tâm lý thoải mái cho trẻ.

Ngày 28/6/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra chỉ thị yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1, nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều gia đình thuê gia sư về dạy cho con. Về vấn đề này, phần  lớn giáo viên đều đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ. Ông Trần Quang Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: "Dạy trước lớp 1 cho trẻ không phải là cách làm tốt". Còn cô Bùi Thị Mến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyên Xá, Vũ Thư cho rằng: "Chưa đến độ tuổi chín mà đã ép chín là không phù hợp với quy luật".

Chị Bùi Thanh Hoa (phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình) băn khoăn: "Ngay từ khi bước vào hè, vợ chồng tôi đã suy nghĩ xem có nên cho con đi học trước chương trình lớp 1 hay không bởi vì có rất nhiều gia đình đang cho con đi học. Chúng tôi sợ nếu không cho cháu đi học thì cháu sẽ chậm hơn các bạn, còn nếu cho cháu đi học thì sẽ mất đi khoảng thời gian vui chơi của cháu". Để tránh tình trạng bỡ ngỡ, hụt hẫng của trẻ khi mới vào lớp 1, các bậc phụ huynh nên tham khảo kiến thức từ các nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ đi học.

Vào lớp 1 là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời trẻ. Vì vậy, chúng ta cần giúp trẻ có một hành trang vững chắc trong môi trường mà hoạt động học tập được xem là chủ đạo. Các trường TH nên dần tạo cho trẻ khả năng thích nghi với môi trường học tập mới, tạo cho trẻ cách "học mà chơi, chơi mà học" để tránh việc "ép măng non thành măng già” quá sớm.

Đặng Anh

  • Từ khóa