Thứ 6, 22/11/2024, 10:47[GMT+7]

3 tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên được sử dụng trong chương trình GDPT 2018

Chủ nhật, 10/12/2023 | 19:15:31
3,804 lượt xem
Bắt đầu từ năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 4 và lớp 11 trên cả nước học chương trình sách giáo khoa mới. Đóng góp vào bộ sách giáo khoa Cánh Diều, nhà văn Minh Chuyên có 2 tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, Ngữ văn lớp 11 và 1 tác phẩm đưa vào sử dụng trong sách văn bản đọc hiểu Ngữ văn lớp 11. Các tác phẩm của ông có cái nhìn đa dạng, đa sắc với chiều sâu nội tâm.

Nhà văn Minh Chuyên cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ, giáo viên cốt cán môn Ngữ văn cấp THPT.

Nhà văn Minh Chuyên cho biết: Tôi có 3 tác phẩm được sử dụng trong chương trình GDPT 2018 gồm: truyện ký “Vào chùa gặp lại” (sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tập 2); truyện ký “Chuyện ông Hoàng Cầm” (sách văn bản đọc hiểu Ngữ văn 11) và bút ký “Nhà bác học của đồng ruộng” (sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1). Trong đó, tác phẩm “Vào chùa gặp lại” và “Chuyện ông Hoàng Cầm” viết về chiến tranh và hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam. Tác phẩm muốn truyền lại bức thông điệp tới các thế hệ học sinh sinh sống và học tập trong hòa bình hiểu được một thời cha ông đã đổ máu, hy sinh để đem lại cuộc sống bình yên như hôm nay. Qua đó, mong muốn các em học tập, lao động, cống hiến ngày một tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tác phẩm “Nhà bác học của đồng ruộng” viết về Giáo sư nông học Lương Định Của, người trí thức đi theo cách mạng, đã dành cả cuộc đời nghiên cứu những giống lúa mới làm lợi cho người nông dân. Cả 3 tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên đều mang tính nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục cao, mang lại luồng gió mới cho văn học trong các nhà trường hiện nay.

Vừa hoàn thành tiết dạy về tác phẩm “Nhà bác học của đồng ruộng” cho học sinh lớp 4, cô giáo Đoàn Thị Liệu, Trường Tiểu học và THCS Dũng Nghĩa (Vũ Thư) chia sẻ: Khi dạy cho học sinh về tác phẩm này, tôi rất tự hào bởi đây là tác phẩm của tác giả rất nổi tiếng, sinh ra và lớn lên ngay trên chính mảnh đất Vũ Thư. Trước khi bước vào phần đọc hiểu tác phẩm, tôi đã giới thiệu ngắn gọn cho các em về tiểu sử của nhà văn Minh Chuyên. Ông sống với nghiệp viết văn, làm báo với số lượng lớn tác phẩm, đa dạng về thể loại. Tác phẩm ngắn gọn, giản dị nhưng rất ý nghĩa, hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 4. Cách dùng từ ngữ của tác giả cũng gần gũi với các em, một số từ ngữ khó hiểu đã có phần giải thích nghĩa, vì thế các em khá hiểu bài. Nhiều em cho biết các em học tập được bác Lương Định Của về ham học hỏi, hết lòng vì công việc. Đặc biệt, tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên đã mang được tư tưởng cốt lõi đó là “mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học của cuộc sống”. Qua đó cho thấy sách giáo khoa mới lần này khác rất nhiều so với sách giáo khoa trước đây. Đó là sự kế thừa và thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định số 404 của Chính phủ đã đề ra; đồng thời đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và THCS Dũng Nghĩa (Vũ Thư) hào hứng với tiết học trên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Mưa, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Tây Thụy Anh chia sẻ: Tác phẩm “Vào chùa gặp lại” của nhà văn Minh Chuyên trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 11 là một đề tài rất gần gũi với con người Việt Nam và có sức hấp dẫn, cuốn hút với các thế hệ học sinh. Mặc dù các em đang sống trong thời bình nhưng qua tác phẩm, các em đã phần nào thấm thía được nỗi đau và hậu quả chiến tranh để lại. Khi đọc tác phẩm, các em học sinh có thể cảm nhận được đề tài, phong cách rất hấp dẫn bởi lối viết sáng tạo nhưng giản dị, gần gũi và có cái nhìn đậm chất nhân văn. Đây cũng là đề tài nóng hổi, không né tránh chuyện gai góc. Qua tác phẩm nhằm giáo dục các em về lòng tự hào, lòng yêu nước và khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.

Nhà văn Minh Chuyên là người luôn đau đáu viết về chiến tranh và hậu quả của chiến tranh. Phần nhiều tác phẩm của ông là viết đề tài này. Chất văn của ông luôn mang đến góc nhìn nhân văn về người lính, việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam. Mặt khác, với tư cách là một người làm báo, ông luôn muốn đưa những thông tin chân thật đến với độc giả của mình. Ông là tác giả của hơn 300 tác phẩm. Ông đã xây dựng bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh với khoảng 2 vạn trang tài liệu, 600 tác phẩm văn học và điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng của bản thân ông và nhiều tác giả là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đến nay, có rất nhiều giáo viên và học sinh các trường học của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam đến tham quan, trải nghiệm và học hỏi.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức gặp mặt, giao lưu giữa nhà văn Minh Chuyên với đại diện giáo viên Ngữ văn các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tham gia chương trình còn có các giáo sư, phó giáo sư của các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn - Tiếng Việt (bộ sách Cánh Diều). Buổi gặp mặt giúp giáo viên hiểu hơn về ý nghĩa, tâm tư, tình cảm mà nhà văn Minh Chuyên gửi gắm trong từng tác phẩm; từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là môn Tiếng Việt lớp 4 và Ngữ văn lớp 11.

Nhà văn Minh Chuyên tại buổi gặp mặt, giao lưu với giáo viên THPT của tỉnh Thái Bình.

Đặng Anh