Thứ 2, 25/11/2024, 07:24[GMT+7]

Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường

Thứ 6, 19/01/2024 | 06:16:15
2,543 lượt xem
Mối quan hệ trong gia đình, quan hệ với bạn bè, thầy cô, sự căng thẳng trong học tập và mạng xã hội... đang tác động trực tiếp và sâu sắc đến tâm sinh lý của học sinh.

Học sinh Trường THCS Quang Dương (Đông Hưng) hào hứng trả lời câu hỏi tại buổi ngoại khóa an ninh trật tự học đường - nói không với bạo lực học đường.

Khi những nỗi buồn không được giãi bày, những căng thẳng không được sẻ chia có thể sẽ trở thành những vấn đề lớn làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập, sức khỏe, cuộc sống, thậm chí là tính mạng của các em. Nhằm phòng ngừa, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho học sinh khi gặp phải những vấn đề về tâm lý, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Tại Thái Bình những năm gần đây cũng đã xuất hiện tình trạng bạo lực học đường, thậm chí xuất hiện trường hợp học sinh tự tử vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bà Đoàn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) cho biết: Những sự việc đáng tiếc xảy ra đối với các em ở tuổi đến trường là hồi chuông cảnh báo cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội. 

Đối với Trường THCS thị trấn Vũ Thư, mặc dù đã chủ động thực hiện các hình thức để tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn như: không có nhân viên chuyên trách; phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng và áp đặt suy nghĩ của mình cho các con, chưa dành nhiều thời gian để phối hợp với thầy cô giáo khi con có các dấu hiệu bất thường; học sinh ngại trao đổi với thầy cô, bị chi phối quá nhiều bởi mạng xã hội. Để khắc phục những khó khăn trên và thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, nhà trường cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn của ngành, thành lập tổ tư vấn học đường, bố trí phòng tư vấn riêng biệt nói chuyện trực tiếp, gián tiếp và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, để phòng ngừa, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho các em khi gặp phải những vấn đề về tâm lý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhà trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ của cha mẹ học sinh và các tổ chức xã hội.

Một trong những nguyên nhân sâu xa của những sự việc đáng buồn xảy ra đối với học sinh trong thời gian gần đây chính là người lớn đã không chú ý đến tâm lý của các em học sinh, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì, khi các em đang có những thay đổi lớn về tâm, sinh lý. 

Xác định tầm quan trọng của tư vấn tâm lý, Trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ) đã tổ chức chuyên đề “Ứng dụng tài liệu số đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường” với sự tham gia của 100% cán bộ, giáo viên. 

Ông Vũ Đình Chinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Một trong những nội dung quan trọng của chuyên đề đó là thành lập tổ tư vấn tâm lý trong trường học. Việc tư vấn tâm lý cho học sinh được trường thực hiện thông qua 3 hình thức chính gồm: tư vấn tâm lý toàn trường thông qua hoạt động ngoại khóa, tư vấn nhóm tại lớp học hoặc một nhóm nhỏ và tư vấn cá nhân. Thực tế, học sinh thường e ngại khi tìm đến thầy cô nên người làm công tác tư vấn phải kiên trì lắng nghe; có kiến thức về tâm, sinh lý; có kỹ năng phân tích, thuyết phục; có sự thấu cảm, yêu thương, chân thành và đặc biệt phải tôn trọng bí mật riêng tư của các em thì mới tạo cho các em niềm tin để chia sẻ, giãi bày, từ đó hướng các em đến những nhận thức và hành vi đúng đắn. Với những giải pháp đó, trong năm qua, công tác tư vấn tâm lý của nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực; nhiều em đã vượt qua áp lực, không xuất hiện tình trạng bạo lực học đường.

Trên thực tế, dù được quan tâm nhưng hầu hết các cơ sở giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai tư vấn tâm lý học đường. Hầu hết các trường không có giáo viên chuyên trách về mảng tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm, thường là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, cán bộ đoàn nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ này chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn hạn chế. Học sinh khó có thể mở lòng, chia sẻ thật trong một không gian không bảo đảm quyền riêng tư. 

Trước những khó khăn trên, cuối tháng 11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông cho nhân viên y tế, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh. Bộ tài liệu gồm 73 trang với 3 chương, trong đó thông tin về sự phát triển của trẻ em và học sinh trên các phương diện cảm xúc và nhận thức xã hội, đạo đức, não bộ và quá trình học tập; các giải pháp, trách nhiệm của các bên như nhà trường, giáo viên, nhân viên y tế trường học, phụ huynh; đặc biệt, đi sâu về một số vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh như căng thẳng và rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn sau sang chấn, tăng động giảm chú ý, các vấn đề về hành vi chống đối, về sử dụng chất gây nghiện…

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ tài liệu là cơ sở quan trọng để toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường, không chỉ tổ chức các hoạt động ngoại khóa mà công tác này được lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng gắn kết, phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội để nắm bắt tâm tư của học sinh, hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn chặn, không để xảy ra những hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của các em.

Trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ) thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.


 Đặng Anh