Thứ 2, 25/11/2024, 07:38[GMT+7]

Phấn khởi với tinh thần giảm tải trong phương án thi tốt nghiệp THPT mới

Thứ 4, 31/01/2024 | 14:39:14
3,980 lượt xem
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học chương trình GDPT 2018 dự thi tốt nghiệp THPT. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với những nội dung mới đã nhận được sự đồng tình của đa số giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh bởi giảm căng thẳng, đỡ tốn kém và không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối.

Trường THPT Tiên Hưng cho học sinh đăng ký lại tổ hợp môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường để có hình thức dạy học phù hợp.

Theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Ngay sau khi phương án được công bố, đa số học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường THPT trong toàn tỉnh đều rất phấn khởi, cho rằng phương án này sẽ giảm áp lực thi cử cho các em. 

Em Nguyễn Đức Anh, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: Khi có thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em rất vui mừng với phương án “2 + 2” (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn). Bởi với phương án này, không chỉ giúp chúng em giảm áp lực thi cử mà quan trọng hơn, chúng em có thời gian cũng như điều kiện để lựa chọn môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. 

Còn em Lê Quốc An, Trường THPT Tiên Hưng cho rằng: Phương án thi mới này giảm nhiều áp lực cho học sinh trong học tập, ôn luyện. Với những học sinh theo học tổ hợp khoa học tự nhiên như em thì việc thi theo phương án “2 + 2” không chỉ giảm khối lượng kiến thức học ôn cho năm cuối cấp mà còn thuận lợi trong lựa chọn môn thi.

Ông Phạm Anh Đức, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Tiên Hưng cho biết: Với những môn thi theo phương án mới, học sinh được giảm áp lực thi cử, tập trung hơn cho các môn theo năng lực, sở trường, theo đúng tổ hợp môn học đã chọn ở THPT và đúng mục tiêu định hướng nghề nghiệp của mình. Việc học và ôn các môn thi tốt nghiệp còn phục vụ lấy điểm để xét tuyển vào đại học, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học và thi IELTS. Do vậy, căn cứ các môn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho học sinh khối 10, 11 và phụ huynh của các em; đồng thời phát phiếu và cho học sinh đăng ký lại tổ hợp môn học theo nguyện vọng, sở trường của các em trên cơ sở bám sát nền tảng kiến thức cần đạt. Từ đó, có kế hoạch giảng dạy, ôn luyện phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Đơn cử như học sinh đăng ký học ban A thì ngoài môn Toán, Ngữ văn, các con sẽ tập trung vào học tốt Vật lý, Hóa học, mà không bị phân tâm vào các môn khác. Dù học sinh trải qua gần nửa chặng đường của quá trình học mới có phương án thi tốt nghiệp nhưng thầy, trò Trường THPT Tiên Hưng vẫn hoàn toàn chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy và học hiệu quả cho kỳ thi năm 2025.

Ông Khiếu Mạnh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hưng Hà chia sẻ: Thầy trò nhà trường rất phấn khởi và ủng hộ phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 vì phương án này đã thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW là thi cử phải giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội. 

Theo ông Khiếu Mạnh Dũng, chương trình GDPT 2018 chia thành 2 giai đoạn: cấp tiểu học, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản; cấp THPT giáo dục định hướng nghề nghiệp, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định với số môn thi như vậy là hợp lý. Việc đánh giá học tập của học sinh không chỉ đánh giá từng thời điểm mà còn đánh giá qua cả quá trình học tập. Những môn không thi không có nghĩa là học sinh không học, mà nhà trường vẫn thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy định. Tuy nhiên, với phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, để đạt được mục tiêu giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh và cả cha mẹ học sinh cũng phải thay đổi mạnh mẽ, đó là phải thực sự đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Thầy “dạy thật”, học sinh “học thật”, “kiểm tra, đánh giá thật” (thi thật) để có “chất lượng thật”. 

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sớm giúp cho học sinh có thời gian để kịp chuẩn bị, ôn tập kỹ cho kỳ thi. Tuy nhiên, việc thay đổi các môn thi tốt nghiệp THPT cũng đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng cần phải thay đổi phương thức xét tuyển cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho thí sinh. Ngoài ra, việc tổ chức thi cũng cần phải có phương án chuẩn bị chu đáo để bảo đảm chất lượng, an toàn và thành công như hình thức thi tốt nghiệp THPT hiện nay.

                                                                        Đặng Anh