Thứ 5, 21/11/2024, 19:32[GMT+7]

Sơ kết 1 năm thực hiện đề án phát triển nghệ thuật chèo trong trường học

Thứ 4, 06/03/2024 | 19:00:18
19,503 lượt xem
Sáng ngày 6/3, tại xã Quốc Tuấn (Kiến Xương), Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND huyện Kiến Xương tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đề án phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là đề án 2489).

Các đại biểu dự hội nghị.

Tính đến tháng 12/2023, sau 1 năm triển khai thực hiện đề án 2489, 100% các đơn vị đã đưa nghệ thuật chèo vào trường học, giảng dạy chính khóa; đồng thời lồng ghép, tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với chương trình giáo dục và đặc trưng từng môn học, cấp học, điều kiện thực tiễn của đơn vị. Một số phòng giáo dục và đào tạo và một số cơ sở giáo dục đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tìm hiểu cơ bản về nghệ thuật chèo nên việc triển khai đề án thuận lợi. Tuy nhiên, toàn ngành cũng gặp một số khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ như: đội ngũ giáo viên chưa được tập huấn đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, một số trường có rất ít học sinh đăng ký tham gia vào câu lạc bộ chèo và chưa có kinh phí hỗ trợ để duy trì hoạt động lâu dài.

Tại huyện Kiến Xương có 45/82 đơn vị đã thành lập câu lạc bộ chèo và hoạt động hiệu quả. Việc đưa nghệ thuật chèo vào nhà trường được chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh đồng tình ủng hộ, nhiệt tình tham gia.

Tiết mục múa hát chèo của học sinh huyện Kiến Xương. 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án 2489, thời gian tới toàn ngành sẽ tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn, xây dựng các mô hình điểm về phát triển nghệ thuật chèo, bồi dưỡng năng lực giảng dạy cho giáo viên, tăng cường trang thiết bị và tổ chức liên hoan nghệ thuật chèo, tạo sân chơi và tìm kiếm tài năng cho địa phương.

Đặng Anh