Thứ 2, 25/11/2024, 05:41[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Điều kiện tiên quyết để phát triển và hội nhập

Thứ 5, 07/03/2024 | 08:20:54
5,272 lượt xem
Tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 Thái Bình trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng. Bởi vậy, song song với phát triển hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, thu hút đầu tư..., nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT Chuyên Thái Bình động viên, chúc mừng những học sinh có thành tích cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia vừa qua.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Với dân số khoảng 2 triệu người, tỷ lệ trong độ tuổi lao động khoảng 60%, đây chính là lợi thế của Thái Bình mà không phải địa phương nào cũng có. Hơn nữa, toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 trường cao đẳng. Theo thống kê, năm 2023 tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 36.700 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%.

Là một trong những trường đi đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, Trường Đại học Thái Bình hiện đang liên kết với hơn 120 doanh nghiệp để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc, trong đó có hơn 70 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ổn định chiếm 95%. 

Bà Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; cung cấp các dịch vụ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng, chuyển giao và thực hành công nghệ ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đồng thời, cung cấp sản phẩm khoa học - kỹ thuật, công nghệ có giá trị cao trong xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Trước yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới, nhà trường đã được phê duyệt các ngành nghề đào tạo với chỉ tiêu cụ thể, trong đó có nhiều ngành nghề mới, đáp ứng mục tiêu Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị du lịch - khách sạn, logistics và quản trị chuỗi cung ứng, các ngành về tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin và kỹ thuật cơ khí. Nhà trường sẽ kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giới thiệu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để hoạt động trong các lĩnh vực được tỉnh ưu tiên phát triển như khai thác khí thiên nhiên, sản xuất và phân phối điện; đóng mới, sửa chữa tàu thủy; cơ khí chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chế biến nông sản thực phẩm...

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số trên địa bàn, tỉnh đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để người học được hỗ trợ về học phí và có thể chủ động lựa chọn thời gian đào tạo. 

Gần đây nhất, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 849/QĐ-UBND, ngày 8/5/2023 phê duyệt đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đề án, nhu cầu đào tạo lao động của các doanh nghiệp theo các cấp trình độ đến năm 2025 khoảng 78.800 lao động, đến năm 2030 là 82.100 lao động (trong đó trình độ cao đẳng chiếm gần 30%). Cùng với đó, tỉnh thực hiện sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà gồm nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp để nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. 

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới là thực sự cần thiết, vì thế đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để các đơn vị đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề nghiệp phục vụ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình sẽ phát triển giáo dục và đào tạo cân đối cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, phấn đấu đưa Thái Bình nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục và đào tạo. Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và bậc học. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 - 3 trường đạt tiêu chuẩn quốc tế chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Hình thành và phát triển khu nghiên cứu đào tạo tại huyện Quỳnh Phụ. Cùng với đó, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và cả nước. Đến năm 2030 xây dựng các trường đào tạo, liên kết đào tạo trình độ đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trở thành các cơ sở đào tạo có thương hiệu, uy tín trong cả nước. Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, gắn kết nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng phương án phát triển, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng nhiệm vụ. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Sau năm 2030, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy mô dân số các độ tuổi và kết quả thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (giai đoạn 2023 - 2030), Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu ban hành, hoặc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường tiểu học, THCS phù hợp. 

Cùng với đó, tích cực kêu gọi, khuyến khích phát triển trường học ngoài công lập. Theo đó, phấn đấu có ít nhất 5 cơ sở giáo dục tư thục được thành lập mới và hoạt động hiệu quả. Duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo và liên kết đào tạo đại học hiện có. Dự kiến thành lập trường tư thục chất lượng cao hoặc trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu kinh tế Thái Bình. Đặc biệt, dự kiến thành lập Học viện Nông nghiệp tại huyện Hưng Hà để thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp và Khu kinh tế, trên cơ sở đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp Nông nghiệp hiện có thành cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành nông nghiệp đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp hoặc đề xuất với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập phân hiệu tại Thái Bình phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu trên, toàn ngành phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ giáo viên, giảng viên đủ định mức theo quy định, đạt chuẩn về trình độ đào tạo 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn mầm non 70%, tiểu học là 10%, THCS 15%, THPT 25%; đến năm 2030 lần lượt là 80% ở mầm non, 15% ở cấp tiểu học, 20% ở cấp trung học cơ sở, 30% ở cấp THPT. Nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở nghề nghiệp tối thiểu 7% vào năm 2030 so với hiện nay. 

Cùng với đó, vận động, thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ phi chính phủ của các nhà tài trợ nước ngoài cho giáo dục và đào tạo; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tưởng và kỳ vọng với quyết tâm tạo đột phá, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, Thái Bình sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề quan trọng để bứt phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.  

Trường THPT Chuyên Thái Bình là cái nôi đào tạo giáo dục mũi nhọn của tỉnh.

Đặng Anh

  • Từ khóa