Thứ 5, 26/12/2024, 14:56[GMT+7]

Giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập

Thứ 3, 12/03/2024 | 21:12:35
2,523 lượt xem
Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình hiện có hơn 200 học sinh chuyên biệt đang theo học ở các khối lớp, chủ yếu là các em bị khuyết tật về phát triển trí tuệ và câm điếc. Để giúp các em hòa nhập, cán bộ, giáo viên ở đây đều phải rất nỗ lực, trách nhiệm, tận tâm với công việc.

Để truyền đạt được kiến thức cho học sinh khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải thực sự kiên trì và nhẫn nại.

10 năm gắn bó với Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình là 10 năm cô giáo Trần Thị Diệu Linh đồng cảm và chia sẻ với các em bị chậm phát triển về trí tuệ. Trong lớp, học sinh ở nhiều lứa tuổi, tâm sinh lý phát triển khác nhau nên cô luôn phải đồng hành, lựa làm sao để các em được tự nhiên, thoải mái vui chơi và học tập. Các em bị khuyết tật thường có sức khỏe yếu, nhận thức hạn chế nên để truyền đạt kiến thức cho các em cô Linh phải thực sự kiên trì và nhẫn nại; phải thấu hiểu và đồng cảm, phải như những người bạn thì mới có thể chia sẻ với các em. 

Cô giáo Diệu Linh tâm sự: Dạy học sinh khuyết tật phải có phương pháp khác với dạy cho học sinh bình thường. Có khi phải mất vài năm mới truyền đạt hết kiến thức của năm học. Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ dạy văn hóa mà còn phải đồng hành với các em ở rất nhiều khía cạnh. Do khuyết tật về cơ thể nên tâm lý của các em rất khác nhau, nhiều em đang trên lớp tự nhiên lại có những biểu hiện bất thường như dỗi hờn, nghịch phá, vì vậy nhiều khi chúng tôi phải dỗ dành các em như những người con của mình, đồng cảm, chia sẻ giúp các em ổn định tâm lý, hứng thú trong học tập.

Nhiều năm dạy lớp trẻ khiếm thính, cô giáo Mai Thị Ngân cho rằng các em bị khuyết tật, nhất là câm điếc rất thiệt thòi. Toàn bộ trao đổi giữa cô và trò phải dùng đến ngôn ngữ ký hiệu. Để làm tốt công việc của mình, cô Ngân không ngừng tìm tòi, học hỏi và đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất. Với những học sinh bình thường, khi đến lớp là được cô giáo truyền đạt ngay kiến thức văn hóa; nhưng với học sinh câm điếc, điều đầu tiên là giáo viên phải dành thời gian để làm quen, chia sẻ, thống nhất được ngôn ngữ ký hiệu. Với các em có nhận thức chậm, công đoạn này đòi hỏi giáo viên phải thực sự kiên trì và mất rất nhiều thời gian. 

Cô Ngân chia sẻ: Vì là đối tượng học sinh đặc biệt như vậy nên tôi phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều mới tạo ra được sự đồng điệu về ngôn ngữ với các em; sau những bài giảng trên lớp, tôi thường quay lại clip để gửi cho bố mẹ các em, phải phối hợp thật tốt giữa nhà trường với gia đình trong quá trình học tập và giảng dạy mới giúp các em nhanh chóng tiếp thu kiến thức và ổn định về ngôn ngữ ký hiệu. Tôi chỉ mong các em sau khi ra trường sẽ có được vốn ngôn ngữ cơ bản, làm hành trang phục vụ cuộc sống và công việc.

Những năm qua, mỗi cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình luôn nỗ lực, tận tâm nhằm giúp các em học sinh khuyết tật khắc phục được khiếm khuyết của cơ thể, vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

Ông Trần Bá Trình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dạy kiến thức cho học sinh khuyết tật rất vất vả, đòi hỏi người đứng lớp phải có sự kiên trì, nỗ lực rất lớn mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều đáng mừng là hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường luôn cố gắng, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bằng tình yêu thương với trẻ em khuyết tật, chúng tôi luôn đồng cảm, chia sẻ để giúp các em vượt qua những rào cản, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 Học sinh khiếm thính thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu trong giờ học.

Đỗ Hồng Gia