Thứ 6, 22/11/2024, 12:09[GMT+7]

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thái Thụy: Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ 4, 10/04/2024 | 07:24:15
4,396 lượt xem
Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Thái Thụy đã thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa kết hợp đổi mới đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thái Thụy mở lớp đào tạo vận hành máy nông nghiệp cho người dân xã Thụy Phong.

Ông Tô Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy cho biết: Hiện nay, Trung tâm có 1.230 học sinh đang theo học. Trong công tác GDTX, nhiều năm liên tục Trung tâm đứng trong tốp đầu toàn tỉnh về chất lượng thi tốt nghiệp THPT và giáo viên dạy giỏi khối GDTX. Kết quả tuyển sinh đầu vào lớp 10 hàng năm luôn đạt chỉ tiêu được giao, học viên đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ trên 98%, năm học 2022 - 2023 đạt 100%; trong đó có nhiều em đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với số điểm cao. Năm 2023, đội tuyển Địa lý đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích. Về liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề, Trung tâm liên kết với một số trường trung cấp trong và ngoài tỉnh để đào tạo ngành nghề phù hợp với thị trường lao động đang cần. Hiện nay, Trung tâm đang liên kết với 8 trường đào tạo 12 mã nghề cho học viên theo học như: may công nghiệp, điện dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp, hàn, hướng dẫn du lịch, công nghệ thông tin, tiếng Nhật...

Trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đã phối hợp tốt với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy và trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn trong huyện tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch chiêu sinh, tổ chức quản lý và giảng dạy cho người lao động nông thôn tại cơ sở, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Từ năm 2021 - 2023, Trung tâm đã mở 11 lớp đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho hơn 400 học viên là người lao động nông thôn, qua đó góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển nhằm tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động trong tỉnh. Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trung tâm thực hiện tốt công tác tham mưu với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, tạo điều kiện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Hiện nay, cả hai cơ sở của Trung tâm đều có hệ thống phòng học được xây dựng đạt tiêu chuẩn. Các thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng tốt cho học văn hóa và học nghề. Trung tâm quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; áp dụng phương pháp dạy học tích cực, dạy học tiên tiến, truyền dạy kiến thức một cách chủ động, xây dựng bài giảng định hướng theo đối tượng người học. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy cho rằng, Thái Thụy đang là trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh với việc thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang đầu tư vào địa bàn. Đây là một lợi thế rất lớn, mở ra nhiều cơ hội việc làm, mang lại mức thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện, nhất là người lao động có trình độ, tay nghề cao. Thực tế, sau khi tốt nghiệp ra trường có khoảng 2/3 số học sinh của Trung tâm đi làm ngay với đúng sở trường, tay nghề đã được học, trong đó có khoảng 20% số học sinh sau tốt nghiệp tham gia làm việc trong các xí nghiệp tại địa phương với mức lương bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù vậy, công tác dạy và học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy cũng còn gặp không ít khó khăn do trang thiết bị máy móc được đầu tư từ lâu nên đã xuống cấp, chưa thực sự đáp ứng với đòi hỏi của thực tế. Đội ngũ giáo viên giảng dạy các lớp nghề cho lao động nông thôn còn thiếu, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng GDNN tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thái Thụy thì rất cần sự quan tâm đầu tư về trang thiết bị, đội ngũ giảng dạy.



Duy Tùng