Thứ 4, 25/12/2024, 15:18[GMT+7]

Mô hình bếp ăn một chiều trong tổ chức nuôi ăn bán trú

Thứ 5, 11/04/2024 | 15:17:35
5,166 lượt xem
Thời gian qua, các trường học tổ chức nuôi ăn bán trú cho học sinh đã chủ động xây dựng và chuẩn hóa mô hình bếp ăn một chiều nhằm tạo môi trường chế biến, nấu nướng thức ăn khoa học, hợp vệ sinh, bảo đảm thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Khu vực chia thức ăn tại bếp ăn một chiều Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình).

Theo mô hình này, toàn bộ các hoạt động chế biến, nấu nướng thức ăn trong khu bếp ngoài việc đáp ứng đúng yêu cầu, quy trình còn phải xây dựng được các khu chức năng riêng biệt như: khu chứa thực phẩm tươi sống, khu sơ chế, khu vực chế biến thức ăn, khu vực chia thức ăn đã được nấu chín và khu vệ sinh các dụng cụ nấu nướng tuân thủ theo nguyên tắc một chiều. 

Tại Trường Mầm non Vũ Hội (Vũ Thư), quy trình tổ chức bếp ăn một chiều được đặc biệt quan tâm từ việc bổ sung các thiết bị, đồ dùng phục vụ đến việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nuôi dưỡng. Tất cả được bảo đảm các hoạt động diễn ra theo đúng thứ tự từ nguyên liệu đầu vào đến khâu sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, soạn chia ăn, thu dọn... tuân theo quy trình một chiều. 

Bà Lê Thị Hiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà bếp được xây dựng có đầy đủ các phòng theo quy định, rộng rãi, thông thoáng, khang trang, sạch đẹp với tổng diện tích 300m2. Trong khu vực bếp, đồ dùng được sắp xếp khoa học, gọn gàng ngăn nắp theo quy trình bếp ăn một chiều, có đầy đủ các loại biểu bảng cần thiết. Ngoài ra, nhà trường chuẩn bị trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, hệ thống lọc nước phục vụ cho công tác tổ chức bán trú. 

Nhân viên bếp ăn Trường Mầm non Vũ Hội (Vũ Thư) chia cơm cho trẻ. 

Việc chú trọng công tác nuôi dưỡng, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện nghiêm quy trình bếp ăn một chiều trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại Trường Mầm non Vũ Hội đã nâng cao hiệu quả chất lượng nuôi dưỡng trong nhà trường. Chất lượng bữa ăn của trẻ được cải thiện, trẻ ăn ngon miệng, phần lớn trẻ ăn hết suất. Số trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân béo phì cuối năm học giảm so với đầu năm học. Phụ huynh của trường cũng nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non nên đã dành nhiều thời gian quan tâm hơn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. 

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) là một trong những trường có số lượng học sinh ăn bán trú rất đông. Bếp ăn bán trú của trường được thiết kế theo nguyên tắc một chiều từ khu sơ chế, chế biến, chia thức ăn đến khu thay đồ bảo hộ lao động cho nhân viên bếp. Bếp có đủ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến theo quy định, chủ yếu bằng inox để dễ vệ sinh; có dụng cụ riêng biệt để đựng thực phẩm sống, chín. Nguyên liệu, thực phẩm do đơn vị cung cấp đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Nước uống của học sinh được sử dụng bằng bình nước với hệ thống lọc thông minh, định kỳ được thay lõi lọc và có đầy đủ giấy chứng nhận về an toàn do cấp có thẩm quyền cấp. 

Bà Hà Thị Lân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có sổ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn hàng ngày. Để chất lượng bữa ăn bảo đảm về dinh dưỡng, hợp vệ sinh, thực đơn hàng ngày được Ban giám hiệu phê duyệt, dựa trên thực đơn tổng thể trong suốt tháng đã được thông qua ban thường trực hội cha mẹ học sinh và sự kiểm duyệt, giám sát của đại diện phụ huynh các lớp theo lịch phân công. Ban quản lý, tổ giám sát của nhà trường và phụ huynh học sinh các lớp thực hiện giám sát các hoạt động từ khâu nhận thực phẩm, chế biến, chia thức ăn, lưu mẫu và tổ chức bữa ăn, quản lý sát sao các khâu để giữ gìn bữa ăn cho học sinh luôn được bảo đảm tuyệt đối vệ sinh, đủ lượng, đủ chất. Qua các đợt kiểm tra của các cấp, các ngành trong từng năm học về công tác nuôi ăn bán trú, nhà trường đều được các đoàn đánh giá cao, phụ huynh học sinh rất tin tưởng, phấn khởi khi gửi con ăn bán trú tại trường. 

Mô hình bếp ăn một chiều đã và đang được nhân rộng tại các trường học trên toàn tỉnh. Theo thống kê, hiện có hơn 400 trường học tổ chức nuôi ăn bán trú cho học sinh, trong đó số trường có bếp ăn một chiều đạt trên 80%. Hàng ngày, các bộ phận có liên quan tới công tác nuôi ăn bán trú của các nhà trường thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau. Việc xây dựng thực đơn được các nhà trường chủ động thực hiện, thông báo công khai cho cha mẹ học sinh biết và cùng tham gia xây dựng thực đơn cũng như giám sát thực đơn theo từng bữa ăn. 

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc làm tốt công tác tổ chức ăn bán trú cho học sinh với mô hình bếp ăn một chiều đã và đang góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, không để xảy ra các sự việc bất thường về an toàn thực phẩm, thực hiện tốt các mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và học sinh, hạn chế tối đa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và béo phì. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Ngành giáo dục thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra khu vực bếp ăn của các trường học tổ chức nuôi ăn bán trú. 

Đặng Anh