Thứ 6, 16/05/2025, 02:44[GMT+7]

Quy hoạch mạng lưới trường, lớp - Bước tiến bền vững

Thứ 4, 21/08/2013 | 08:47:49
4,161 lượt xem
Hiện nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp ở tỉnh ta đang có những chuyển biến tích cực. Toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đã tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện quy hoạch đất đai theo hướng xây dựng trường mầm non tập trung, xóa khu học lẻ trường tiểu học, xây dựng trường THCS liên xã theo yêu cầu của trường chuẩn quốc gia, đồng thời hoàn thiện các thủ tục về chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà trường.

Giờ tan trường tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Thành phố Thái Bình).

Sau 4 năm kể từ khi Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp của Sở GD và ĐT được UBND tỉnh phê duyệt, đến nay tỉnh ta đã chuyển đổi xong 287 trường mầm non bán công sang công lập, số điểm trường lẻ giảm từ 881 (năm học 2009 – 2010) xuống còn 682 (tháng 5/2013); cấp tiểu học có 293 trường và 12 điểm trường lẻ; cấp THCS có 257 trường theo quy mô xã và 15 trường theo quy mô liên xã…

Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực không ngừng cùng với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: "Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN".

Mặc dù trong quá trình thực hiện Đề án, một số địa phương gặp không ít khó khăn nhưng sự chuyển biến rõ nét về chất lượng dạy và học tại các trường đã góp phần xua tan những hoài nghi của một bộ phận nhân dân trước chủ trương lớn. Trên cơ sở mạng lưới trường, lớp đã được quy hoạch hợp lý, toàn ngành GD và ĐT tập trung nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, trong đó ưu tiên cho phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học.

Bên cạnh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường tiểu học, THCS, ngành GD và ĐT đã hoàn thành việc sáp nhập trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (TTKTTH-HN) với trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX). Hiện nay, toàn tỉnh có 10 trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp cấp huyện, 1 TTGDTX tỉnh. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật được nâng cấp thành Trường Đại học Thái Bình từ tháng 9/2011. Đầu tháng 7/2013, đã hoàn thành sáp nhập Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

Đối với các trường tiểu học, việc sáp nhập đã tạo thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa, phân công các tổ nhóm chuyên môn hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Đối với các trường THCS, cơ sở vật chất, các phòng chức năng được tập trung trang bị theo hướng chuẩn hóa đã tác động tích cực đến chất lượng dạy và học. Việc phân công giáo viên giảng dạy hợp lý, đúng bộ môn đào tạo, có điều kiện phát huy tốt năng lực. Nhìn chung, sau sáp nhập, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, việc bảo đảm cơ sở vật chất ở một địa điểm sau sáp nhập còn hạn chế do chưa xây dựng kịp thời, việc đi lại của giáo viên, học sinh còn gặp khó khăn do đường giao thông xuống cấp. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp đến mỗi người dân có lúc còn hạn chế; một số cán bộ và nhân dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp nên ảnh hưởng đến tiến độ quy hoạch theo lộ trình.

Để Đề án thực sự trở thành một bước tiến bền vững đối với ngành giáo dục tỉnh nhà, chính quyền các địa phương và các trường học cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành xây dựng các kế hoạch với những nội dung công việc cụ thể để triển khai thực hiện. Trong quá trình sáp nhập các trường học, cần có cơ chế hỗ trợ để xây dựng cơ sở vật chất, lộ trình thực hiện phù hợp với thực tế từng địa phương đồng thời bảo đảm chế độ, chính sách hợp lý cho trường, giáo viên ở các trường đạt chuẩn quốc gia.

Phương châm chỉ đạo quyết liệt trong quy hoạch mạng lưới trường, lớp vẫn luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng xây dựng và thực hiện Đề án một cách bền vững, đó mới chính là điều các cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục hướng tới. Với kinh nghiệm của các địa phương đi trước, cùng với những bài học đã được đúc rút sau 4 năm triển khai thực hiện, việc bám sát các nghị quyết của tỉnh, nhất là các biện pháp để thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp, công tác tuyên truyền vận động… đã thực sự trở thành cẩm nang quý giá để các địa phương vững tin trong lộ trình thực hiện Đề án ở những năm tiep theo.

Bài, ảnh: Đặng Anh

  • Từ khóa