Chủ nhật, 24/11/2024, 12:34[GMT+7]

Gỡ “điểm nghẽn” cho giáo dục mầm non

Thứ 4, 29/05/2024 | 21:29:19
1,904 lượt xem
Tại phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải giải quyết những “điểm nghẽn” của giáo dục mầm non (GDMN) hiện nay như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục chưa bình đẳng, nhất là vùng sâu, vùng xa và người yếu thế. Không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước, GDMN Thái Bình cũng đang cần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương) làm quen với bảng chữ cái.

Nhiều khó khăn, vướng mắc đối với bậc học nền tảng 

Trước đây, Trường Mầm non thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) gặp khá nhiều khó khăn khi thiếu cả giáo viên và nhân viên kế toán. Đến tháng 8/2023, Trường được tuyển bổ sung thêm giáo viên biên chế, nâng số giáo viên/nhóm lớp là 2 giáo viên, mặc dù chưa đủ định mức giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đã tạm thời khắc phục được những khó khăn trước đó. Tuy nhiên, Trường hiện có 2 điểm trường, chỉ có một nhân viên kế toán kiêm nhiệm cả nhân viên thư viện, y tế, văn thư nên để giải quyết các công việc của Trường thường mất khá nhiều thời gian. 

Không chỉ Trường Mầm non thị trấn Diêm Điền mà đây là tình trạng chung của không ít trường học trên địa bàn huyện Thái Thụy. Ông Hà Duy Thiện, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Năm học 2022 - 2023, Thái Thụy là địa phương tuyển dụng giáo viên các cấp học nhiều nhất tỉnh với 215 giáo viên, trong đó giáo viên mầm non hơn 100 người. Mặc dù vậy, toàn huyện vẫn chưa tuyển dụng đủ số biên chế được giao do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu nguồn tuyển. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy chia sẻ: Năm 2011, cùng với các địa phương trong tỉnh, các cơ sở GDMN trên địa bàn huyện chuyển đổi mô hình sang công lập, vì vậy tốc độ phát triển của cấp học này nhanh hơn so với cấp tiểu học và THCS song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Không chỉ thiếu giáo viên, tại một số cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học dẫn đến sĩ số trẻ/ lớp cao hơn quy định, hệ thống phòng hỗ trợ phục vụ học tập, trang thiết bị dạy học, đặc biệt đồ chơi ngoài trời còn hạn chế. Trước mắt, các cơ sở GDMN vẫn đang chủ động khắc phục những khó khăn trên song về lâu dài rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và toàn xã hội để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non yên tâm công tác. 

Thực trạng tại Thái Thụy cũng là thực trạng chung của GDMN Thái Bình hiện nay. Trong 3 “điểm nghẽn” của GDMN mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giải quyết thì Thái Bình đang gặp 2 “điểm nghẽn” đó là thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Hết học kỳ I năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh còn thiếu 231 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, để tuyển dụng đủ số biên chế được giao thì không dễ dàng. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương còn gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Ngoài ra, việc hợp đồng giáo viên cũng có những hạn chế trong việc chi trả kinh phí hợp đồng theo Nghị định số 111/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 của Chính Phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Không chỉ khó khăn về đội ngũ giáo viên, đến nay thiết bị dạy học tối thiểu của cấp học này mới đáp ứng được 73,6% nhu cầu, trong đó thiết bị đồ chơi ngoài trời đáp ứng được 69,9% nhu cầu, bàn ghế đạt tiêu chuẩn đáp ứng 85,7%, riêng thiết bị phòng học bộ môn chỉ đáp ứng 46,5% yêu cầu. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng thời điểm năm ngoái, số trang thiết bị dạy học tối thiểu của GDMN đã tăng đáng kể do có sự quan tâm đầu tư của tỉnh và nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. 

Làm kỹ, làm chắc để gỡ những “điểm nghẽn” 

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục nói chung, GDMN nói riêng, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều giải pháp. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 573/ QĐ-UBND, ngày 27/3/2023 về việc phê duyệt đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó chú trọng việc khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, huy động các nguồn lực xã hội hóa phục vụ các hoạt động giáo dục như giáo dục nghệ thuật, thẩm mỹ, hoạt động thể thao, trải nghiệm, kỹ năng sống... Theo thống kê, trong 3 năm từ 2021 đến 2023, toàn tỉnh đã huy động được 196 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất cho các cấp học, trong đó có cấp mầm non. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố của cấp học là 97,2%, toàn tỉnh có 17 trường mầm non tư thục và nhiều cơ sở GDMN độc lập đã được cấp phép trên địa bàn 8 huyện, thành phố. 

Lắng nghe tâm tư, chia sẻ với những nguyện vọng, đề xuất của cán bộ, giáo viên bậc học mầm non tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên địa bàn tỉnh tháng 3 vừa qua, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của GDMN nói riêng và ngành giáo dục nói chung căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tinh thần chung theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là làm chắc, làm kỹ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, trong đó có những khó khăn có thể giải quyết được ngay bao gồm việc huy động các nguồn lực hợp lý để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách cho đội ngũ nhà giáo... 

Để giải quyết tận gốc những “điểm nghẽn” của GDMN, Thái Bình đã có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức đang công tác tại cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, bổ sung biên chế theo định biên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không tinh giản cơ học đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, mặc dù Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi nhưng chưa có quy định về phổ cập mẫu giáo 3, 4 tuổi trong khi đó, với các điều kiện thuận lợi, các tiêu chí về phổ cập mẫu giáo cơ bản đã đáp ứng. Việc bổ sung độ tuổi phổ cập nhằm tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường; bảo đảm được mục tiêu theo Điều 23 Luật Giáo dục năm 2019 đó là GDMN nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em vào lớp một.

Trường Mầm non Hoa Hồng (thành phố Thái Bình) chú trọng phát triển toàn diện cho trẻ.

Đặng Anh