Thứ 3, 24/12/2024, 06:54[GMT+7]

Cần bảo đảm an toàn tuyệt đối khi trẻ đến trường

Thứ 5, 30/05/2024 | 23:35:42
2,042 lượt xem
Vụ việc cháu T.G.H, sinh năm 2019 tử vong do bị để quên trên xe ô tô đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình) khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Công an tỉnh, Công an thành phố Thái Bình, UBND thành phố Thái Bình tối ngày 29/5.

Theo thông tin từ Công an tỉnh, khoảng 6 giờ 20 phút ngày 29/5, anh N.V.L, sinh năm 1965, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 1 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung 2 đón cháu H và 9 học sinh khác đi học. Khi đến trường, anh L mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp, sau đó điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, anh T.Đ.A, là cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện việc cháu bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.

Điều đáng nói, đây không phải là vụ việc đau lòng duy nhất xảy ra. Trước đó, năm 2019, tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, phường Dịch Vọng (Hà Nội) cũng xảy ra vụ việc tương tự khiến một cháu bé 6 tuổi tử vong. Chỉ sau đó 1 tháng, lại thêm một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón hơn 7 tiếng tại trường học ở Bắc Ninh nhưng rất may cháu bé được cứu sống. Vụ việc xảy ra vì nhiều lý do song nguyên nhân chính vẫn bởi sự tắc trách dây chuyền của hàng loạt người lớn, đồng thời tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các cơ sở giáo dục trong việc siết chặt công tác quản lý, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc bảo đảm an toàn tuyệt đối khi trẻ đến trường.

Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, tối ngày 29/5, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với Công an tỉnh, Công an thành phố Thái Bình và UBND thành phố Thái Bình, yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật. UBND thành phố phối hợp với lực lượng chức năng làm rõ trách nhiệm của nhà trường, quy chế đưa đón học sinh và giấy phép hoạt động của nhà trường. Sáng ngày 30/5, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2020/UBND-KGVX về việc chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường. 

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, UBND thành phố Thái Bình, UBND huyện Vũ Thư đến thăm hỏi, động viên gia đình cháu bé. Chia buồn sâu sắc cùng gia đình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong gia đình cố gắng vượt qua đau thương, tổ chức hậu sự chu đáo cho cháu và sớm ổn định cuộc sống. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao hỗ trợ cho gia đình 20 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND thành phố Thái Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành cũng trao hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Chiều cùng ngày, đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã về thăm, chia buồn cùng gia đình cháu H, mong gia đình cố gắng vượt qua đau thương, mất mát to lớn này.

Mặc dù việc tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô dịch vụ trong thời gian qua được ngành giáo dục chỉ đạo nghiêm túc song vụ việc đau lòng vừa xảy ra đã để lại bài học đắt giá cho các cơ sở giáo dục trong công tác bảo đảm an toàn cho học sinh. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sự việc xảy ra là bài học đối với toàn ngành trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc đưa đón trẻ. Mặc dù các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác quản lý, đưa đón học sinh đã được triển khai với những chỉ đạo rất cụ thể, tuy nhiên việc thực hiện tại cơ sở vẫn còn những bất cập cần được chấn chỉnh kịp thời. Sở yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn trường học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình, Trường Mầm non Hồng Nhung 2 động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình nạn nhân; thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong nhà trường và các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.

Bà Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ chỉ đạo ủy ban mặt trận tổ quốc các cấp và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về việc nuôi dạy trẻ an toàn, kiên quyết không gửi trẻ ở những điểm giữ trẻ không phép. Đồng thời, tổ chức giám sát hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập và nhóm trẻ gia đình, phát hiện kịp thời những điểm giữ trẻ không phép, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Rõ ràng, việc sớm có những quy định riêng biệt về kiểm soát an toàn đối với phương tiện đưa đón học sinh trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Trong lúc chờ các quy định của pháp luật liên quan được đồng bộ, ngoài hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn cho học sinh. Qua sự việc trên cho thấy quan tâm đến trẻ em mọi lúc, mọi nơi bằng tất cả tình thương và trách nhiệm phải là bài học thuộc lòng đối với những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Đặc biệt, cùng với sự đầu tư nhiều hơn về chính sách và nguồn lực, cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế của hệ thống giáo dục mầm non nói chung, trong đó có loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập nói riêng.

Sáng ngày 30/5, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2020/UBND-KGVX về việc chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động giáo dục, việc bảo đảm an ninh, an toàn trong trường học. Rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình; kiên quyết xử lý, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ trẻ không phép trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy chế chuyên môn đối với hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn cho trẻ. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; lái xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.

Đặng Anh