Nỗi lo "cũ" trước thềm năm học mới
Giờ ra chơi ở Trường tiểu học xã Tây Phong (Tiền Hải). Ảnh: Thành Tâm
Vào đầu năm học mới, rất nhiều gia đình háo hức đưa con đi mua sắm sách vở, trang thiết bị, đồ dùng học tập, quần áo mới… để phục vụ cho quá trình học tập. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện như thế bởi Thái Bình vẫn là một tỉnh nông nghiệp; đại bộ phận người dân vẫn sống nhờ vào cây lúa hoặc hoa màu. Vì vậy, nỗi lo học phí và các khoản đóng góp đầu năm học mới khiến phần đông các bậc cha mẹ phải “chạy đua” với “guồng quay” của cuộc sống, mong cho con được bằng bạn, bằng bè.
Cha mẹ vẫn “còng lưng”
Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, nuôi một người con ăn học đã khó huống chi có những gia đình đông con, thu nhập phụ thuộc vào nông nghiệp là chính, chỉ mong sao các con mình được ăn no, mặc đủ. Với những gia đình này, việc chuẩn bị cho con trước thềm năm học mới thật sự là một vấn đề không đơn giản.
Chị Lê Thị Liên (huyện Quỳnh Phụ) tâm sự: “Gia đình tôi chỉ có 2 người con nhưng chồng tôi đã mất từ lâu, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đặt lên vai khiến nhiều đêm mất ngủ. Trước thềm năm học mới với nỗi lo các khoản đóng góp là một áp lực lớn đối với tôi”. Nỗi lo cho con bước vào năm học mới lại càng trĩu nặng hơn trên vai những người phụ nữ đơn thân. Được biết, gia đình chị Liên đang tiến hành làm các thủ tục cần thiết để được công nhận nhận là hộ nghèo. Chị mong sao, từ năm học này, hai con của mình sẽ được hưởng những chính sách ưu tiên của Nhà nước để giảm một phần học phí.
Trong một lần vào Bệnh viện Đại học Y Thái Bình thăm người thân, tôi vô tình nghe được một câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Chị Nguyễn Thị Miến (Hưng Hà) đưa con lên Bệnh viện Đại học Y để cắt amidan bởi nếu để lâu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cháu. Hai mẹ con khăn gói nhập viện trong khi trong tay chỉ có mấy trăm nghìn. Tiền viện phí, tiền sinh hoạt của hai mẹ con không thể đủ trong một tuần. Nghĩ đến đây, chị gọi điện về cho mấy người bà con, họ hàng ở quê để hỏi vay 1 triệu đồng nhưng ở vùng quê ấy, quanh năm sống nhờ vào cây lúa, củ khoai thì số tiền 1 triệu không phải là nhỏ, phải đi quyên góp từ nhiều người mới có được.
Tâm sự với tôi, chị nói trong tiếng nấc: “Gia đình tôi có 3 người con, hai đứa con đầu nghe theo người ta giới thiệu ra Quảng Ninh làm việc nhưng không đủ ăn, vợ chồng tôi ở nhà sống nhờ vào mấy sào lúa. Nay tôi đưa đứa út đi viện mà chưa biết phải xoay sở thế nào. Vay được tiền thì cũng phải trả, bây giờ lại sắp vào năm học mới, kiếm tiền ở đâu ra bây giờ?”. Đến bao giờ niềm vui mới đến được với gia đình chị?
Học sinh, sinh viên cũng “bôn ba”
Thật dễ để nhận thấy, không chỉ ở các khu chợ mới có những đứa trẻ đi bán từng quả chanh, từng mớ rau mà trong các nhà hàng, quán ăn cũng thấy sự xuất hiện của nhiều học sinh, sinh viên. Mùa hè là “cơ hội” của nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đi làm thêm. Mưu sinh trong dịp nghỉ hè là cách để các em có thể phụ giúp gia đình các khoản học phí và tiền sách vở chuẩn bị cho năm học mới.
Một lần, tôi tiếp xúc với em Dương Trung Hiếu (học sinh một trường THPT trên địa bàn Thành phố Thái Bình) tại một quán ăn. Hiếu tâm sự: “Hàng ngày, em phải có mặt ở quán từ 8 giờ sáng để dọn dẹp chuẩn bị đón khách ăn trưa, tối thì làm việc đến khoảng 11 giờ mới về, có những hôm nếu đông khách phải làm đến 12 giờ”. Với thời gian như vậy, Hiếu không thể có thời gian vui chơi, giải trí như các bạn cùng lứa tuổi. “Bố mẹ em đã ly hôn, em ở với mẹ nhưng sức khỏe của mẹ em hơi yếu nên em muốn đi làm thêm để phụ giúp mẹ, kiếm một chút tiền để trang trải cho năm học mới”, Hiếu bộc bạch. Trường hợp như Hiếu không phải là hiếm, có rất nhiều học sinh, sinh viên cũng đi làm thêm không chỉ trong dịp hè mà làm thường xuyên để giúp cha mẹ ở quê vơi đi gánh nặng tài chính.
Hạnh phúc mùa hè của các em chỉ có vậy, không phải là một chuyến du lịch lý thú cùng gia đình, bạn bè, không phải biết thêm một kỹ năng hay môn thể thao nào đó mà là những khoản tích lũy dành dụm được để đôi vai cha mẹ bớt nhọc nhằn.
Bài, ảnh: Đặng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Đưa học sinh trở về với tết cổ truyền 26.01.2025 | 09:39 AM
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị