Thứ 3, 24/12/2024, 00:18[GMT+7]

Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình: Tích cực đổi mới phương pháp dạy và học

Thứ 4, 19/06/2024 | 09:37:17
4,377 lượt xem
Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, đó đang là những giải pháp được Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ trong thời kỳ hiện nay.

Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình xây dựng khu du lịch trải nghiệm phục vụ việc học tập, thực hành và đáp ứng nhu cầu vui chơi của nhân dân.

Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chuyên ngành chính về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y và thủy sản nhằm phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh, qua đó góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, nhà trường có 21 lớp trung cấp nghề. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhà trường xác định trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên bởi đây là vấn đề then chốt quyết định chất lượng dạy và học. Ông Phạm Ngọc Túy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình cho biết: Hiện nhà trường có 35 cán bộ, giáo viên và người lao động, trong đó 100% cán bộ, giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có 1 giáo viên có trình độ tiến sĩ, 24 giáo viên có trình độ thạc sĩ, còn lại là trình độ đại học. Hàng năm, nhà trường tích cực quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhà giáo học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hầu như tất cả các lớp tập huấn chuyên đề liên quan đến lĩnh vực GDNN thì nhà trường đều cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ. Đội ngũ giáo viên được đánh giá có chuyên môn tốt trong công tác giảng dạy, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh. 

Với mục tiêu đào tạo đội ngũ lao động khoa học kỹ thuật vững vàng về lý thuyết, thành thạo về tay nghề, có đạo đức, phẩm chất tốt, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, Ban giám hiệu nhà trường xác định đây vừa là trung tâm đào tạo vừa kết hợp nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hai nhiệm vụ này phải được gắn bó chặt chẽ với nhau và hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm nhiều đề tài khoa học về chăn nuôi, trồng trọt. Các đề tài khoa học đã góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, đưa được những tiến bộ khoa học mới vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh. 

Trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhà trường phối hợp tốt với các huyện, thành phố tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch chiêu sinh, tổ chức quản lý và giảng dạy cho người lao động bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Trong năm 2024, nhà trường dự kiến sẽ mở 10 lớp dạy nghề và 59 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y cho lao động nông thôn. Qua những đợt tổ chức hàng năm cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương, góp phần giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Ông Nguyễn Quang Sáng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: Khó khăn nhất hiện nay ở Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình là việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học còn hạn chế, hầu hết các thiết bị đã cũ, lạc hậu. Do đặc thù là cơ sở đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp, các bài học đòi hỏi cần nhiều mẫu vật để thực hành và thí nghiệm nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc đầu tư, mua sắm thiết bị, mẫu vật. Cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng, chưa được đầu tư sửa chữa cũng ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh, đào tạo của nhà trường. 

Ông Phạm Ngọc Túy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy; đổi mới nội dung chương trình, cập nhật kiến thức mới, phù hợp với người học. Để làm tốt nhiệm vụ này, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình rất mong được các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa, nhất là quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, mẫu vật thực hành, thực tập để đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Nhiều thiết bị, dụng cụ phục vụ việc học tập và thực hành tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đã cũ và xuống cấp.

Đỗ Hồng Anh