Thứ 5, 02/05/2024, 21:04[GMT+7]

Năm giải pháp nâng cao chất lượng GDQP - AN cho học sinh, sinh viên

Thứ 4, 15/09/2010 | 10:44:11
3,566 lượt xem
Để thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN) cho học sinh, sinh viên (HSSV), tất cả các trường ĐH, CĐ, THCN và THPT trong tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác GDQP-AN, nhất là các Chỉ thị 62, 12 của Bộ Chính trị, các Nghị định 15, 116 của Chính phủ. Qua đó đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDQP-AN cho cấp ủy, ban giám hiệu các nhà trường, cụ thể hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công

Tổ chức thực hiện công tác GDQP - AN như một môn chính khóa

Hàng năm, ngay từ đầu năm học, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các trường xây dựng kế họach triển khai môn học GDQP-AN, Sở Giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) duyệt để bảo đảm tính pháp lý khi triển khai. Cùng với đó là năm giải pháp được thực hiện đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN cho HSSV.

Sở GD-ĐT đặt ra yêu cầu cao đối với các nhà trường trong việc tổ chức thực hiện nội dung GDQP-AN cho HSSV, chọn chỉ đạo điểm ở các đơn vị đặc thù. Tuy nhiên, mặc dù đây được coi là một môn học chính khóa, tham gia đánh giá, xếp loại HSSV; song trong tâm lý của một số cán bộ quản lý của một số trường vẫn coi GDQP-AN là đợt học quân sự tập trung đầu năm để học nội quy, rèn ý thức tổ chức kỷ luật, do đó xuất hiện tư tưởng “qua loa, đại khái” và chống thiếu khi học môn này.

Mặt khác, hệ điều kiện để triển khai môn GDQP-AN còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị đầu bờ tại những trường làm tốt, đồng thời chọn ba trường để chỉ đạo điểm, đó là: THPT Nguyễn Đức Cảnh ở Thành phố, THPT Nguyễn Du ở khu vực nông thôn và Trung cấp sư phạm mầm non đại diện cho khối các trường chuyên nghiệp.

Giải pháp thứ hai được áp dụng, đó là lựa chọn phương thức học môn GDQP-AN phù hợp với thực tiễn. Thời gian đầu, khi đây còn là môn học mới mẻ, sự chuẩn bị chưa kỹ càng, Sở cho phép các trường học tập trung, đồng thời chỉ đạo ½ số trường có điều kiện thuận lợi học rải theo thời khóa biểu để rút kinh nghiệm chung.

Từ năm thứ ba trở đi, 100% số trường đã tổ chức dạy theo phương thức học rải theo thời khóa biểu. Sáng tạo này giúp việc triển khai môn học GDQP-AN cho HSSV trong các nhà trường ở Thái Bình không rơi vào tình trạng máy móc, áp đặt mà có định hướng chỉ đạo, các trường có thời gian chuẩn bị hệ điều kiện để đồng loạt áp dụng, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành.

Để đổi mới hình thức dạy học môn GDQP-AN, bên cạnh việc thực hiện nội dung chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tích cực kết hợp với Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy, Ban CHQS, Hội CCB các huyện, thành phố tổ chức nói chuyện ngoại khóa, kể chuyện truyền thống, sân khấu hóa các nội dung tìm hiểu về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, sự ra đời, phát triển và trưởng thành của QĐND Việt Nam anh hùng, tìm hiểu về Ngày hội quốc phòng toàn dân...

Chính nhờ việc sinh động hóa các hình thức học đã cuốn hút và kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của HSSV về khoa học quân sự và kiến thức quốc phòng, bổ trợ hữu hiệu cho các nội dung của môn học.

Xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên (GV) trong giảng dạy môn GDQP-AN nên công tác bồi dưỡng GV được thực hiện tích cực. Hai việc được tiến hành đồng thời là tuyển dụng những GV được đào tạo về bộ môn quốc phòng ở các trường ĐH và cử GV đi dự các lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ GDQP-AN. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương để tăng cường GV là sĩ quan quân đội giúp các nhà trường giảng dạy phần kỹ, chiến thuật. Nhờ đó, tính chính quy, nghiêm túc trong dạy và học môn GDQP-AN được bảo đảm.

Nhằm góp phần duy trì nền nếp dạy và học môn GDQP-AN ở các nhà trường, công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành cả thường xuyên theo kế hoạch và đột xuất, dự giờ, kiểm tra giáo án của GV. Những vi phạm, nếu có, sẽ được xử lý nghiêm theo quy chế chuyên môn. Ngoài ra còn kiểm tra, bảo đảm sự chặt chẽ, chính xác trong việc cho điểm, tổ chức hội thao đánh giá kết quả và xếp loại đối với từng HSSV, từng lớp và từng trường.

Với năm giải pháp nêu trên, công tác GDQP-AN cho HSSV trong các nhà trường ở Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả to lớn, hội thao GDQP-AN cho học sinh phổ thông của tỉnh đã được Quân khu 3 đánh giá cao. Một kinh nghiệm quan trọng rút ra trong quá trình triển khai thực hiện là phải bảo đảm sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời và hiệu quả của Hội đồng GDQP-AN các cấp, đồng thời phải có sự gắn bó hết sức hữu cơ, nhịp nhàng và đồng thuận giữa cơ quan quân sự với ngành GD-ĐT.


            HOÀNG MINH

 

  • Từ khóa