Thứ 5, 10/10/2024, 09:16[GMT+7]

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Thành công nối tiếp những thành công

Thứ 5, 05/09/2013 | 08:32:28
1,708 lượt xem
Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành công trong việc thực hiện mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Năm học mới 2013 - 2014 hứa hẹn nhiều thành công mới cho ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Thái Bình một vùng quê vốn có truyền thống hiếu học. Nhận rõ vai trò của nhân tố con người trong quá trình xây dựng quê hương đất nước, nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã tập trung đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành công trong việc thực hiện mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Năm học 2012 - 2013, quy mô các ngành học, bậc học tiếp tục ổn định. Bậc học mầm non đã tập trung hoàn thành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tất cả các nhà trường đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, thực hiện các biện pháp đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục. Duy trì được 301/301 (100%) trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn bán trú với 26.067 (95,1%) trẻ nhà trẻ và 74.023 (98,1%) trẻ mẫu giáo được ăn bán trú; trẻ suy dinh dưỡng được các nhà trường quan tâm tổ chức ăn chế độ phục hồi dinh dưỡng.

Công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật được các đơn vị quan tâm chỉ đạo và thực hiện thường xuyên, hiện có 389/543 (71,6%) trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập tại các trường mầm non. Các cháu khuyết tật đều được các địa phương quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo các văn bản của Nhà nước quy định.

Trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%. Chất lượng kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 được duy trì và nâng cao. Có 100% số trường với 119.330 (98,87%) học sinh được học môn Tiếng Anh và tiếp tục mở rộng chương trình thí điểm 4 tiết/tuần; toàn cấp có 89.014 học sinh được học Tin học; có 120.145 học sinh (98,55%) được học đủ 10 buổi/tuần, số còn lại được học 9 buổi/tuần. Có 113 trường với 21.345 học sinh thực hiện tổ chức lớp học bán trú, học sinh được học 2 buổi/ngày, được ăn trưa và nghỉ trưa tại trường.

Tiếp tục quán triệt quan điểm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hoạt động của thầy và trò bảo đảm nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh, coi trọng tác động tình cảm, tạo niềm vui, gây hứng thú trong học tập cho học sinh theo từng lứa tuổi. Tiếp tục thực hiện các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học nhằm giúp giáo viên thực hiện tốt hơn việc giảng dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng ở các môn học. Việc sử dụng công nghệ thông tin, soạn giáo án theo hướng cải tiến tiếp tục được quan tâm, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả giờ lên lớp. Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần.

Tất cả các trường THCS, THPT trong tỉnh đều tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; tạo ra sự chuyển biến tích cực về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường sử dụng hợp lý công nghệ thông tin trong các bài giảng; khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn. Tổ chức nghiêm túc, an toàn các kỳ thi, kiểm tra chất lượng; đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi lớp 9, lớp 12. Tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao, tin học, ngoại ngữ...

Ngành học giáo dục thường xuyên (GDTX) đã hoàn thành việc thành lập trung tâm GDTX cấp tỉnh, sáp nhập các trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp (KTTH-HN) thành trung tâm GDTX-HN và chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Tất cả đều tích cực góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm học 2012 - 2013, ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, mang tính toàn diện, sâu sắc hơn, vì vậy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu" với 10 lĩnh vực công tác xuất sắc. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Thái Bình có 56/72 học sinh đoạt giải trong đó có 7 giải Nhì, 30 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Có 1 học sinh được tham dự kỳ thi chọn đội dự tuyển Olympic quốc tế. Tất cả các đội tuyển tham dự đều đạt giải trong đó có 4 đội đạt 100% số giải, đó là các đội tuyển: Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh. Thi giải toán qua mạng cấp quốc gia: Tiểu học Thái Bình xếp thứ nhất, đạt huy chương vàng toàn đoàn; THCS xếp thứ nhất, đạt huy chương vàng toàn đoàn. Thi Tiếng Anh qua mạng Internet: Tiểu học Thái Bình đạt huy chương vàng, xếp thứ nhì toàn quốc, THCS xếp thứ 5 toàn quốc. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tiếp tục ổn định với tỷ lệ 99,61%. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, bình quân điểm thi Thái Bình xếp thứ 4 toàn quốc, có 3 thủ khoa, số học sinh đạt điểm cao xếp thứ 2 toàn quốc.

Học sinh Trường THCS Phương Cường Xá (Đông Hưng) trong ngày khai giảng năm học mới 2013 - 2014. Ảnh: Ngọc Linh

Năm học 2013 - 2014 là năm học bản lề thực hiện mục tiêu "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, vì vậy toàn ngành cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tích cực tìm kiếm các giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở này ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Tích cực thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013) và cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", xây dựng đội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực thi và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xây dựng hội đồng sư phạm đoàn kết, thân ái, chung tay xây dựng môi trường sư phạm trong sáng, lành mạnh, thân thiện. Quản lý đúng quy định việc dạy thêm, học thêm; thanh tra, kiểm tra giám sát thu, chi của các nhà trường ngay từ đầu năm học. Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn lực.

Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trẻ mẫu giáo đến trường đạt 99,5%; nhà trẻ 68%; tỷ lệ ăn bán trú đạt 95% trở lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn dưới 6%. Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non.

Huy động 100% trẻ 6 tuổi đến lớp, học 2 buổi/ngày đạt bình quân 9,98 buổi/tuần; trên 98,5% số học sinh được học đủ 10 buổi/tuần; 70% số học sinh được học Tin học; 100% học sinh được học ngoại ngữ; giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Giữ vững kết quả các cuộc thi và giao lưu cấp quốc gia. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, xây dựng chất lượng lớp 1 làm nền móng vững chắc cho chất lượng của toàn cấp học. Thực hiện tốt các chương trình giáo dục lồng ghép, giáo dục kỹ năng sống, không gây áp lực với học sinh. Thực hiện nghiêm túc không dạy thêm, học thêm với học sinh học 2 buổi /ngày.

Nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh trung học bỏ học. Triển khai dạy học tự chọn môn Tin học từ lớp 6 đến lớp 9 ở 100% số trường THCS. Giữ vững kết quả thi giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng. Giảm tỷ lệ học sinh yếu kém dưới 5%. Tiếp tục đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp theo tinh thần lồng ghép và tích hợp, chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Giữ vững chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Phấn đấu có từ 15 trường THPT trở lên lọt vào tốp 200 trường có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao trong toàn quốc. Phấn đấu có trên 80% số học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đạt giải, có học sinh được dự thi và đạt giải quốc tế.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2010 - 2015" ở Thái Bình; củng cố nâng cao chất lượng các trung tâm GDTX-HN, đẩy mạnh hoạt động của trung tâm GDTX cấp tỉnh. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu số lượng học viên xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, bổ túc THCS, bổ túc THPT, liên kết dạy nghề và học chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Bước vào năm học 2013 - 2014, với việc nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém và đề ra các giải pháp quyết liệt, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của toàn thể cán bộ quản lý, các nhà giáo, các em học sinh, sinh viên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và nhân dân, trên tinh thần kỷ cương, nền nếp, dân chủ, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả,  tin tưởng rằng, ngành giáo dục và đào tạo Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển với nhiều kết quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới và thời kỳ hội nhập, phát triển, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

NGƯT Đặng Phương Bắc
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

  • Từ khóa