Thứ 7, 23/11/2024, 19:11[GMT+7]

Hành trang cho bé vào lớp 1

Thứ 3, 02/07/2024 | 08:59:58
2,524 lượt xem
Trẻ từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn. Nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn khi hoạt động học tập là chính, ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài. Vì thế, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 6 tuổi vào lớp 1 có vai trò rất quan trọng.

Trẻ 6 tuổi Trường Mầm non Nam Hồng được tham quan trải nghiệm tại Trường Tiểu học Nam Hồng (Tiền Hải).

Vào lớp 1 là bước tiến quan trọng của mỗi trẻ. Có rất nhiều vấn đề mà trẻ có thể gặp phải như chưa tự lập, chưa quen với quy định của trường lớp mới, khó tập trung hoàn toàn trong tiết học... Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hồng (Tiền Hải) cho biết: Hầu như trẻ nào khi vào lớp 1 cũng gặp khó khăn nhất định, có trẻ chỉ thoáng qua nhưng một số khác lại gặp khó khăn thực sự, vì vậy nếu không được sự giúp đỡ của người lớn thì các con sẽ khó hòa đồng với môi trường mới. Ở cấp học mầm non, các con có nhiều đồ chơi để chơi nhưng khi vào lớp 1 các con phải làm quen với việc học là chính. Vì thế, các con luôn cảm thấy bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh, thậm chí có con đến trường học thì khóc đòi về. Một trong những khó khăn nữa đó là nhiều con đến lớp còn ngủ gật trong tiết học. Học mầm non có thể đi học muộn nhưng vào lớp 1 là phải tuân thủ đúng quy định về giờ giấc của nhà trường. Ngoài ra, phần lớn các con sẽ gặp phải tình huống là thường xuyên thất lạc đồ dùng học tập. Đối với vấn đề này, cha mẹ cần cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập, giúp con đánh dấu tên vào đồ dùng và khen ngợi khi con không làm thất lạc. Điều này giúp các con có hành trang vững chắc khi bước vào môi trường học tập mới.

Bà Phan Thị Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Thành (Vũ Thư) chia sẻ: Trong quá trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, nhà trường cũng gặp một vài khó khăn như một số phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, một số phụ huynh do không nắm vững đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, nôn nóng về việc học tập của con cái nên vội vã tìm lớp cho con học trước chương trình, cho con đi học viết chữ. Việc chuẩn bị để giảm bớt những khó khăn cho trẻ trong thời gian đầu lớp 1 không phải chỉ là việc chọn trường, lớp hay cho trẻ làm quen với đọc và viết mà các bậc phụ huynh phải chuẩn bị tâm lý cho con. Đối với nhà trường, trước hết chúng tôi chuẩn bị cho trẻ về thể chất, trẻ khỏe mạnh sẽ rất hào hứng với các hoạt động, đặc biệt là hoạt động học tập và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Để làm được điều đó, trong năm học, nhà trường xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập, dạy trẻ rèn luyện một cách khoa học và hợp lý cả về thời gian và phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ. Bên cạnh đó, các cô giáo phụ trách nhóm lớp 5 tuổi dạy cho trẻ cách phát âm chính xác các chữ cái, biết đặc điểm cấu tạo của chữ cái, rèn tiếng Việt qua hoạt động nghe nói như: kể chuyện, đọc thơ, kể lại truyện theo sự ghi nhớ và tưởng tượng của trẻ, đàm thoại, đặt câu hỏi về nội dung, suy luận, phán đoán thông qua câu đố, trò chơi và thông qua câu trả lời của trẻ.

Theo chương trình GDPT 2018, lớp 1 gồm có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật (gồm môn Âm nhạc và Mĩ thuật), Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm tích hợp tài liệu giáo dục địa phương. Giáo dục thể chất được coi trọng nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ. Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ cần quan tâm tới việc con học đều tất cả các môn, khi trẻ có năng khiếu môn nào thì tạo điều kiện cho trẻ phát huy thế mạnh về môn đó. Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, do đó trước hết, các bậc cha mẹ học sinh cần nắm vững thời gian để sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thuận tiện đưa đón. Ngoài thời gian học chính khóa 7 tiết/ngày, nếu có nhu cầu cho con tham gia các hoạt động giáo dục khác ngoài giờ chính khóa như giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt câu lạc bộ... cha mẹ nên hỏi ý kiến giáo viên để được tư vấn thêm.

Theo bà Trần Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1 là một quá trình cần kiên trì, kiên quyết thực hiện để mang lại hiệu quả. Trong đó, nguyên tắc không dạy trước chương trình lớp 1 cần được quán triệt. Dạy trước chương trình sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của trẻ, đồng thời chưa tôn trọng khả năng, thiên hướng của từng trẻ, ngoài ra trẻ sẽ dễ bị mất đi hứng thú học tập, dễ chủ quan, không tập trung chú ý khi vào học lớp 1, tạo những thói quen xấu trong hoạt động trí tuệ, ảnh hưởng không tốt cho việc học tập và có hại cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Học sinh 6 tuổi Trường Mầm non Phúc Thành (Vũ Thư) tham quan Trường Tiểu học và THCS Phúc Thành (Vũ Thư).


Đặng Anh