Chủ nhật, 18/05/2025, 04:44[GMT+7]

Xã hội hóa giáo dục ngày càng được quan tâm

Thứ 2, 09/09/2013 | 08:20:48
1,365 lượt xem
Ngoài việc huy động nguồn lực vật chất từ các lực lượng xã hội, các trường, đơn vị giáo dục còn chú trọng đến các nguồn lực phi vật chất như việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm… Để tiếp tục thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, các cấp chính quyền địa phương với các tổ chức, cá nhân.

Học sinh Trường THCS Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) thường xuyên đến đọc sách trong thư viện nhà trường.

Nói đến xã hội hóa giáo dục (XHHGD), hẳn nhiều người vẫn "mơ hồ” XHHGD là huy động các nguồn lực từ các lực lượng xã hội cho công tác giáo dục. Hiện nay, có hai nguồn lực chính trong huy động XHHGD gồm: nguồn lực vật chất (tài lực, vật lực, nhân lực, đất đai, trường sở, trang thiết bị...) phục vụ giảng dạy, học tập và nguồn lực phi vật chất (việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm)...

Những năm gần đây, công tác XHHGD tỉnh ta nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền ở các địa phương. Để huy động được nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành kịp thời các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo chuyên đề về giáo dục; vận động các lực lượng xã hội quan tâm, phối hợp, đầu tư cho giáo dục nhằm giải quyết những khó khăn về giáo dục ở địa phương. Qua đó, tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo trên quy mô toàn tỉnh.

Trong năm học qua, công tác khuyến học, khuyến tài ở Hưng Hà được Đảng bộ, nhân dân, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội trong huyện quan tâm, chăm lo. Đến nay, quỹ khuyến học các cấp của huyện có 2.568 triệu đồng. Nhiều địa phương có quỹ khuyến học lên tới hàng trăm triệu đồng, điển hình như Thị trấn Hưng Hà, Thị trấn Hưng Nhân, xã Hồng Minh, xã Dân Chủ…

Các đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đầu tư nguồn lực, xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn sau năm 2015 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 22/34 trường THCS, 38/38 trường tiểu học, 18/36 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở GD và ĐT, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nên công tác XHHGD ngày càng được quan tâm, việc thực hiện các đề án giáo dục của huyện được bảo đảm đúng tiến độ, đặc biệt là Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2012. Tổng số phòng học đã và đang xây dựng từ năm 2008 đến nay là 351 phòng. Ngoài chương trình chi có mục tiêu trang cấp, các cơ sở giáo dục đã đầu tư 576 triệu đồng mua sách tham khảo, 310 triệu đồng mua máy chiếu đa năng, bảng thông minh, 67 triệu đồng mua các trang thiết bị dạy học khác. Đến nay, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS có máy chiếu đa năng. Năm học 2012 - 2013, 31 trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện có thư viện được công nhận thư viện đạt chuẩn quốc gia.

Tại Thái Thụy, Phòng GD và ĐT huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội quan tâm, đầu tư cho giáo dục bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như giúp đỡ học sinh nghèo, vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Đoàn Thanh niên huyện phối hợp với Hội Khuyến học, các dòng họ khuyến học thường xuyên tặng quà học sinh nghèo, trao thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Ngành công an phối hợp với các trường học phổ biến giáo dục pháp luật, giúp các trường bảo đảm an toàn, an ninh học đường. Trong năm học vừa qua, ngành GD và ĐT huyện đã huy động được hàng trăm triệu đồng để khen thưởng giáo viên, học sinh; huy động được hàng chục tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất trường học. Các nhà trường cũng nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cá nhân. Tổng kinh phí huy động từ XHHGD là hơn 23 tỷ đồng.

Cùng với các nguồn kinh phí được cấp, các nhà trường, các địa phương trong huyện Đông Hưng đã tập trung huy động nguồn lực để tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học. Trong năm học qua, có 5 trường mầm non được đầu tư xây dựng tập trung, đó là Trường Mầm non Thăng Long, Phú Lương, An Châu, Đông Kinh, Đông Phong… Ngoài ra, còn xây dựng thêm nhiều công trình vệ sinh nước sạch, lát nền phòng học, cứng hóa sân chơi, bồn cây xanh, cây cảnh, hệ thống thoát nước… tạo khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp hơn.

Không chỉ đơn thuần là đóng góp tài chính ủng hộ các hoạt động giáo dục, trong những năm qua, hầu hết các trường học đều tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các nội dung như: phổ biến Luật Giao thông đường bộ, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản giới tính vị thành niên, người tốt, việc tốt… hay tổ chức các buổi tọa đàm để tìm ra phương pháp dạy và học tốt nhất. Các trường đã mời những chuyên gia theo từng lĩnh vực để tư vấn tâm lý cho học sinh phù hợp theo từng lứa tuổi để các em được học tập và vui chơi trong một môi trường giáo dục lành mạnh.

Hiện nay, ngoài việc huy động nguồn lực vật chất từ các lực lượng xã hội, các trường, đơn vị giáo dục còn chú trọng đến các nguồn lực phi vật chất như việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm… Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt XHHGD cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, các cấp chính quyền địa phương với các tổ chức, cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh, đưa ngành giáo dục tỉnh nhà có những bước tiến xa hơn nữa.

Bài, ảnh: Đặng Anh

  • Từ khóa