Thứ 5, 02/05/2024, 21:51[GMT+7]

Nhân rộng mô hình Đổi mới phương pháp dạy trong các trường THPT

Thứ 4, 15/09/2010 | 14:46:31
4,373 lượt xem
Đã thành thông lệ, trước khi bước vào năm học mới, các bậc học, ngành học trong hệ thống giáo dục tỉnh ta đều tổ chức tổng kết năm học cũ và triển khai năm học mới.

Năm học 2009 - 2010 là năm các trường phổ thông trung học đạt nhiều kết quả, thông qua đổi mới toàn diện phương pháp dạy học.

Giáo dục trung học năm học 2010 - 2011 đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có một yêu cầu là: xây dựng và nhân rộng mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả ở từng cấp học, địa phương. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với chủ đề năm học được Bộ Giáo dục - đào tạo chỉ đạo.

Cũng không phải bắt đầu từ năm học này mới khởi động mục tiêu đổi mới, nhiều năm qua nhờ đổi mới toàn diện mà giáo dục Thái Bình luôn ở tốp đầu của cả nước và sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn phát triển bền vững. ở bậc học phổ thông càng có sự đổi mới nhanh và toàn diện. Thực hiện Chỉ thị 4899/2009 của Bộ GD - ĐT: “Mỗi cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy.

Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi địa phương có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học”. Năm học 2009 - 2010, phòng giáo dục Trung học chọn việc đổi mới thiết kế bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao đổi mới toàn diện phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Triển khai chủ trương này, phòng chỉ đạo tập trung vào ba yêu cầu cụ thể là: Tiếp tục đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, kết hợp hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan theo nội dung và chương trình SGK mới. Chỉ đạo các phòng GD - ĐT. Các trường THPT triển khai có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng việc kiểm tra, đánh giá học sinh bảo đảm khách quan, công bằng.

Thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ GD và ĐT trong việc ôn tập, kiểm tra, thi cử, đánh giá xếp loại... bảo đảm đánh giá đúng thực trạng chất lượng giáo dục. Năm học 2009 - 2010 là năm các trường phổ thông trung học đạt nhiều kết quả, thông qua đổi mới toàn diện phương pháp dạy học. Thực hiện ba công khai trong trường học.

Công khai về bảo đảm chất lượng giáo dục, công khai về hệ điều kiện giáo dục và công khai thu, chi tài chính. Trong quản lý chuyên môn, sở tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện biên chế năm học, quy chế chuyên môn, đi sâu chỉ đạo các hoạt động giáo dục trong nhà trường về chất lượng. Xây dựng bộ hồ sơ quản lý bảo đảm cập nhật đầy đủ thông tin, sắp xếp khoa học, lưu trữ lâu dài để tra cứu, báo cáo kịp thời, đúng yêu cầu.

Trong đổi mới, càng chú trọng việc đánh giá xếp loại giáo viên học sinh. Các đơn vị đã coi chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của mỗi nhà trường. Do vậy, các đơn vị đều xây dựng chương trình hành động, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ giáo viên về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Kết quả, năm học 2009 - 2010, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ở tỉnh ta đạt khá cao, giữ vững ở 97 đến 98% học sinh thi vào các trường đại học - cao đẳng xếp thứ 4 cả nước, nhiều trường THPT nằm trong tốp 200 trường có số học sinh đỗ đại học cao đẳng cao nhất. 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia về chỉ tiêu này.

104 trường THCS và 10 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, tăng 23 trường (THCS) và 3 trường (THPT) so với năm học trước. Năm học 2010 - 2011, cụ thể hoá chủ đề của Bộ giáo dục - Đào tạo, các trường trung học phổ thông THCS tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “cuộc vận động “hai không” và xây dựng môi trường sư phạm trong các nhà trường triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học; phát triển mạng lưới trường lớp; xây dựng cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học, chú trọng xây dựng trường chuẩn quốc gia, phát triển trường THPT chuyên.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học và quan tâm công tác thi đua khen thưởng. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình đổi mới phương pháp dạy trong các trường trung học sẽ làm tích cực và coi đây là động lực để giáo dục cấp THPT, THCS vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững thứ hạng cao về chất lượng trên phạm vi cả nước. Xứng đáng với truyền thống của một vùng đất văn hiến từ ngàn xưa để lại.

 Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa