Chủ nhật, 24/11/2024, 06:46[GMT+7]

Hướng mở cho học sinh không đỗ vào các trường THPT công lập

Thứ 5, 18/07/2024 | 17:53:53
3,582 lượt xem
Đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập là ước mơ, nguyện vọng của biết bao học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng trên 70% chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập; số học sinh còn lại sẽ có những lựa chọn khác nhau. Cánh cửa này khép lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra, đó là những cơ hội dành cho các em vào lớp 10 năm nay.

Trường THPT Nguyễn Huệ năm học mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh 630 học sinh lớp 10.

Có con tham gia kỳ thi vào lớp 10 tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thủy, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) mới thật sự thấm thía cảnh học bài cùng con. Nhận thấy nguyện vọng đỗ vào trường THPT công lập là khá xa vời, quá sức với năng lực của con, nhiều lần khuyên con đổi nguyện vọng nhưng không thành, bởi con khẳng định đó là mục tiêu riêng và sẽ cố gắng hết sức nên chị chiều theo ý của con. 

Khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả con không đỗ vào trường THPT công lập, chị Thủy chia sẻ: Cháu không cảm thấy hối tiếc vì đã cố gắng hết mình. Cháu vẫn còn nhiều lựa chọn khác, từ trường ngoài công lập, đến các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) hay trường nghề. Nhờ sự tư vấn của cô giáo chủ nhiệm lớp 9 và sự định hướng của gia đình, con chị đã vui vẻ nộp hồ sơ xét tuyển vào Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Thái Bình.

Thực tế, hàng năm, sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, không ít học sinh bị trượt sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng không biết con đường tiếp theo sẽ như thế nào. Tuy nhiên, trượt lớp 10 công lập không phải là “bước đường cùng” của các em học sinh. Vẫn có những ngôi trường khác rộng mở đón chào các em, đó là các trường THPT tư thục, trường nghề, GDNN-GDTX các huyện, thành phố. 

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề cho khoảng 4.000 học sinh lớp 10. Các trường THPT tư thục cũng tổ chức tuyển sinh trên 4.000 học sinh lớp 10 vào học. 

Năm học mới này, Trường THPT Nguyễn Huệ được giao chỉ tiêu tuyển sinh 630 học sinh và thực hiện tuyển sinh trực tuyến theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường tuyển sinh trực tuyến trên phần mềm của Sở Giáo dục và Đào tạo từ ngày 5 – 8/7. Đối với học sinh tỉnh ngoài, học sinh không học đủ 4 năm THCS ở Thái Bình, học sinh tốt nghiệp THCS từ năm 2023 trở về trước, các em trực tiếp đến trường để cấp mã đăng nhập cho việc đăng ký trực tuyến. Nhà trường cũng thành lập tổ hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong quá trình tuyển sinh. Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, nhà trường đang rà soát, tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, khuôn viên trường học để thêm khang trang, sạch đẹp. Một trong những nội dung quan trọng đó là tiếp tục củng cố đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô giáo có thêm kỹ năng, phương pháp đổi mới dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh; đồng thời, gắn bó với trường lớp, yêu thương học sinh, tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đạt chuẩn về trình độ, có nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2024-2025, căn cứ trên điều kiện thực tế của các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng đơn vị. 

Theo đó, 17 đơn vị bao gồm 9 trường THPT tư thục và 8 GDNN-GDTX được giao 196 lớp với 8.820 học sinh. Trong đó, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình mở 7 lớp với 315 học sinh; phối hợp với Trường Đại học Thái Bình mở 6 lớp với 270 học sinh; phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình mở 5 lớp với 225 học sinh. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kiến Xương phối hợp với Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình mở 3 lớp cho 135 học sinh. Dù học ở trường tư thục, trường nghề hay các trung tâm GDNN-GDTX, các thầy cô đều hết mình vì học sinh, nếu có ý chí phấn đấu, các em đều có thể thành công trong cuộc sống. Vì vậy, việc vừa học văn hóa vừa học nghề được xem là cơ hội cho học sinh bởi có nhiều chính sách và chi phí học tập thấp, chương trình đào tạo ngắn hạn gắn với thực tiễn, xu thế mới giúp người học giảm bớt thời gian và dễ kiếm việc làm sau khi ra trường, nhất là khi thị trường lao động đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề. Quan trọng hơn, học tại trường nghề, các trung tâm, các em có cơ hội vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa vừa có bằng đào tạo nghề hoặc có điều kiện liên thông lên cấp học cao hơn. Đồng thời góp phần làm giảm áp lực cho tuyến trường công, giải tỏa áp lực cho phụ huynh, học sinh; khơi gợi, thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp hoặc tiếp tục con đường học vấn thông qua các trường liên thông.

                                                              Đặng Anh