Thứ 6, 22/11/2024, 11:29[GMT+7]

Sắp xếp mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triển

Thứ 3, 30/07/2024 | 09:00:33
1,475 lượt xem
Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Sau 6 năm thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo Kế hoạch số 45-KH/UBND, ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh, đến nay, các cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc cân đối, sắp xếp, bố trí đội ngũ, phân công lao động trong đơn vị; khắc phục được một phần tình trạng dạy chéo ban, thiếu giáo viên ở một số môn học chung. Đặc biệt, chất lượng giáo dục ổn định, từng bước được nâng lên, bảo đảm mục tiêu giáo dục.

Hoạt động ngoài trời của trẻ Trường Mầm non Thanh Nê (Kiến Xương).

Kiện toàn mạng lưới trường lớp 

Thời điểm năm 2018, khi tỉnh có chủ trương sáp nhập các trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn thành trường liên cấp, không ít những khó khăn, bất cập đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đông Hưng là một trong những huyện có nhiều kinh nghiệm trong công tác sáp nhập trường học bởi trước đó, huyện đã có đến 6 trường THCS liên xã. 

Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Từ năm 2002 đến nay, huyện duy trì ổn định mô hình trường THCS liên xã. Đây là mô hình phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương, tháo gỡ những khó khăn căn bản trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thành công trong xây dựng mô hình trường THCS liên xã ở huyện chính là nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương sáp nhập trường học. Hơn nữa, huyện không tổ chức sáp nhập ồ ạt ở tất cả các xã trên địa bàn mà chỉ thực hiện trên cơ sở điều kiện cụ thể của mỗi địa phương như có giao thông thuận lợi, học sinh di chuyển đến trường trong bán kính không quá xa, bố trí được quỹ đất xây dựng một điểm trường và trên hết vẫn là sự chung tay, hưởng ứng của đông đảo người dân. Nhờ đó, khi thực hiện Kế hoạch số 45-KH/UBND của UBND tỉnh, huyện có nhiều thuận lợi khi sáp nhập 23 trường tiểu học và 20 trường THCS quy mô nhỏ ở 23 xã để thành lập 23 trường tiểu học và THCS, giảm 20 trường. Đến nay, toàn huyện có 108 trường ở 3 cấp học. 

Theo thống kê của ngành giáo dục, trước khi thực hiện Kế hoạch số 45-KH/UBND, trên địa bàn tỉnh có 906 trường mầm non, phổ thông; trong đó có 305 trường mầm non, 295 trường tiểu học, 267 trường THCS và 39 trường THPT. Khó khăn lớn nhất của các địa phương đó là nhiều cơ sở giáo dục có nhiều điểm trường, đặc biệt là cấp học mầm non; nhiều trường có quy mô số lớp/trường nhỏ; tình trạng thừa thiếu giáo viên xuất hiện ở hầu hết các trường THCS có quy mô nhỏ. Sau 6 năm thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND, đến nay toàn tỉnh còn 736 trường mầm non, trường phổ thông, giảm 180 trường công lập; thành lập mới 5 trường mầm non tư thục và 1 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, 1 Trường Tiểu học, THCS, THPT Quách Đình Bảo (thành phố Thái Bình). Trong số trên có 167 trường tiểu học và THCS thành lập mới trên cơ sở sáp nhập các trường tiểu học và trường THCS có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Một trong những bài toán khó nhất sau sáp nhập là sắp xếp đội ngũ nhà giáo, vì vậy ngành giáo dục đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên ổn định tình hình; đồng thời, thực hiện điều động luân chuyển cán bộ, giáo viên, nhân viên đến đơn vị khác không thuộc các trường liên cấp. Sau 3 năm sáp nhập, toàn ngành giảm 466 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 195 cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động luân chuyển đến đơn vị khác; 129 cán bộ, giáo viên, nhân viên tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/ NĐ-CP; 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên bố trí làm công việc khác hoặc xin nghỉ việc. Giáo viên thực hiện các hoạt động giáo dục, dạy học được các đơn vị bố trí linh hoạt giữa các cấp học, bảo đảm việc phân công giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đặc biệt, đã tận dụng được giáo viên giảng dạy ở các môn chung như: Tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, góp phần giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên. Theo đánh giá, ngành giáo dục đã giảm 19,2% đơn vị sự nghiệp công lập, vượt 9,2% so với mục tiêu Kế hoạch số 45-KH/UBND đề ra. 

Trường Tiểu học và THCS Đông Động (Đông Hưng) tổ chức sân chơi rung chuông vàng.

Vẫn còn những khó khăn 

Thực hiện Kế hoạch số 45- KH/UBND, huyện Kiến Xương đã thực hiện sáp nhập 2 trường mầm non; 29 trường tiểu học với 29 trường THCS thành 29 trường tiểu học và THCS. Đến nay, toàn huyện có 82 trường học ở cả 3 cấp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, sử dụng hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc sáp nhập trường học đã góp phần giảm số lượng cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học; tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần cải cách chính sách tiền lương. Các cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc cân đối, sắp xếp, bố trí đội ngũ, phân công lao động trong đơn vị, khắc phục được một phần tình trạng dạy chéo ban, thiếu giáo viên ở một số môn học chung. Chất lượng giáo dục sau 6 năm sáp nhập ổn định, từng bước được nâng lên, bảo đảm mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, nhiều đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn. 

Ông Hoàng Tiến Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Sau sáp nhập, công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ của nhân viên có khối lượng công việc nhiều hơn, đặc biệt là những trường có 2 điểm trường cách xa nhau. Ngoài ra, hạng trường thay đổi nhưng phụ cấp chức vụ, trách nhiệm chưa được điều chỉnh kịp thời khiến một bộ phận cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng về mặt tâm lý. 

Thông tin về những hạn chế, vướng mắc ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Toàn tỉnh vẫn còn 111 trường mầm non có 2 điểm trường trở lên; 28 trường tiểu học có 2 điểm trường; 53 trường tiểu học và THCS có 2 điểm trường. Một số đơn vị có 2 điểm trường cách xa nhau, giao thông giữa các điểm trường không thuận lợi, việc đưa các điểm trường về chung một địa điểm chưa thực hiện được do địa phương chưa bố trí được quỹ đất, khó khăn về kinh phí đầu tư. Đối với trường liên cấp, thiếu sự gắn kết các hoạt động giáo dục; công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ của nhân viên có khối lượng công việc nhiều hơn, đặc biệt là những trường có 2 điểm trường cách xa nhau. Cùng với đó, hạng trường thay đổi nhưng phụ cấp chức vụ, trách nhiệm chưa được điều chỉnh kịp thời. Nguyên nhân do chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp; cơ chế tự chủ tài chính; các định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và đồng bộ. 

Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục tổ chức rà soát, tham mưu với tỉnh trong xây dựng kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường, lớp sau khi hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân; tăng cường sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đặng Anh