Thứ 5, 21/11/2024, 20:20[GMT+7]

Công khai, minh bạch các khoản thu trong trường học

Thứ 3, 01/10/2024 | 10:06:54
4,385 lượt xem
Bước vào năm học 2024 - 2025, cùng với việc ổn định nền nếp, tổ chức các hoạt động giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng triển khai xây dựng kế hoạch và thực hiện thu các khoản đóng góp đầu năm trên cơ sở hướng dẫn của các cấp, ngành, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng quy định.

Trường Tiểu học Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) không kêu gọi xã hội hóa và một số khoản thu khác để giảm áp lực cho cha mẹ học sinh.

Thực hiện đúng quy định, quy trình 

Vấn đề thu, chi luôn là chuyện được quan tâm nhiều mỗi khi vào năm học mới. Vì vậy, làm sao để thu, chi đúng quy định, tránh tình trạng lạm thu trong nhà trường là điều mà phụ huynh quan tâm, mong muốn. Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp phụ huynh học sinh và công bố các khoản thu đầu năm học. 

Ông Phạm Ngọc Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (Kiến Xương) cho biết: Việc triển khai các khoản thu đầu năm học mới thường rất nhạy cảm. Vì vậy, quan điểm của Trường là thu đúng quy định, quy trình theo các văn bản hướng dẫn của các cấp. Đồng thời, các khoản thu phải được sự thống nhất của cha mẹ học sinh nhà trường và cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nhà trường mới tổ chức thu để tránh việc lạm thu. 

Bà Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Hưng (Kiến Xương) chia sẻ: Đối với những ý kiến thắc mắc của phụ huynh khi thực hiện các khoản thu, nhà trường đều giải thích cặn kẽ, qua đó có sự thống nhất và điều chỉnh các khoản thu sao cho đúng với quy định, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Các khoản thu thỏa thuận thường gây ra các ý kiến trái chiều, do vậy tại huyện Kiến Xương, các cơ sở giáo dục công khai mức thu, nội dung chi, có dự toán, lập kế hoạch, lấy ý kiến cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại các cuộc họp. 

Ông Ngô Văn Quang, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương cho biết: Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối không thu các khoản thu trái quy định, không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản không đúng quy định. Đặc biệt, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng thu không đúng quy định. 

Đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết “nói không” với tình trạng lạm thu trong trường học, từ góc độ quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý việc thu, chi trong các trường học. Trong đó, tuyệt đối không dồn các khoản thu cùng một thời điểm và hạn chế tối đa tác động của các khoản thu đến kinh tế gia đình người học bởi về nguyên tắc, ngân sách nhà nước và tiền học phí đã bảo đảm điều kiện cơ bản tối thiểu cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Các hoạt động xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, do vậy các nhà trường khi triển khai phải bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả; phù hợp điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh, tuyệt đối tránh lợi dụng, lạm dụng, không ép buộc. 

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ cho biết: Phòng yêu cầu 90 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm quy định, quy trình, xây dựng dự toán chi đúng hướng dẫn bảo đảm thu đủ chi ở mức tối thiểu so với mức trần quy định. Thời gian tới, Phòng sẽ tổ chức các tổ kiểm tra thực hiện các khoản thu góp đầu năm, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có. 

Giảm sức ép cho cha mẹ học sinh 

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc tỉnh Thái Bình chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Tại Trường THPT Bắc Kiến Xương, 600m2 mái tôn nhà hiệu bộ bị tốc mái, nhiều gốc cây bị bật rễ, một số hạng mục công trình đã xuống cấp. Ban Giám hiệu nhà trường đã tham mưu, đề xuất với các cấp, các ngành để cấp ngân sách sửa chữa, nâng cấp. 

Ông Vũ Văn Dương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2024 - 2025, nhà trường được sửa chữa sân trường, nhà vệ sinh và một số hạng mục nhỏ từ nguồn ngân sách được cấp. Nhà trường không huy động bất kỳ nguồn xã hội hóa từ cha mẹ học sinh hay các mạnh thường quân trong việc tu sửa cơ sở vật chất của Trường. Đây là một trong những chia sẻ nhỏ nhằm giảm áp lực cho cha mẹ học sinh dịp đầu năm học mới. 

Đối với các trường THPT ngoài công lập, các khoản thu được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, có sự thống nhất với cha mẹ học sinh. 

Ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Quan cho biết: Hiện trường có 1.800 học sinh và 77 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhà trường có một số chính sách để chia sẻ với gia đình người học như gia đình có 2 con học cùng trường được giảm 4,5 triệu đồng/năm, tặng 20 quyển vở viết cho mỗi học sinh khối 10, miễn hoàn toàn các khoản đóng góp cho một học sinh lớp 10A3 do bị bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó, các khoản thu được nhà trường thực hiện trong 3 đợt là tháng 9, tháng 12/2024 và tháng 3/2025. Các khoản thu được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch dựa trên dự chi quỹ tiền lương, quỹ dạy thêm, quỹ hoạt động và quỹ dự phòng. 

Không huy động xã hội hóa giáo dục, không phối hợp với các trung tâm tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh... là giải pháp mà các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đang thực hiện trong năm học này. 

Ông Bùi Xuân Vui, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Côi chia sẻ: Nhà trường thực hiện thu đủ chi và thu ở mức độ thấp nhất, trong đó nước uống là 10.000 đồng/học sinh/tháng; tiền học tiếng Anh tự chọn khối 1, 2 là 21.000 đồng/học sinh/ tháng, đều thấp hơn mức trần quy định các khoản thu. Chia sẻ khó khăn với cha mẹ học sinh và học sinh, nhà trường đã huy động các nguồn lực hợp pháp để trao tặng quà, miễn một số khoản đóng góp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời không huy động xã hội hóa, không tổ chức dạy kỹ năng sống, quỹ khuyến học huy động kinh phí từ người học. 

Cũng như Trường Tiểu học Quỳnh Côi, Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Giao không huy động xã hội hóa, giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa của trường. 

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường chia nhỏ các khoản thu, thu theo đợt hoặc thu theo tháng dựa trên nguyện vọng của cha mẹ học sinh. Quan điểm của nhà trường là không tạo sức ép cho cha mẹ học sinh nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy ngay đầu năm học, ngoài miễn giảm một số khoản thu, nhà trường đã trao 30 suất quà để các em có thêm điều kiện yên tâm đến trường. 

Việc triển khai các khoản thu trong năm học đang được các cơ sở giáo dục quán triệt và thực hiện đúng theo hướng dẫn. Đây cũng là giải pháp mà ngành giáo dục nỗ lực thực hiện để bảo đảm sự công khai, minh bạch các khoản thu trong nhà trường, tránh tình trạng lạm thu, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong các bậc phụ huynh. Cùng với hướng dẫn thực hiện các khoản thu, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý và đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, thu sai quy định.

MỨC THU HỌC PHÍ NĂM HỌC 2024 - 2025
- Trẻ 2, 3, 4 tuổi đóng học phí 80.000 đồng/học sinh/tháng đối với nông thôn và 125.000 đồng/học sinh/tháng đối với thành thị;
- Trẻ 5 tuổi, học sinh cấp tiểu học được miễn học phí;
- Học sinh THCS đóng 35.000 đồng/học sinh/tháng đối với nông thôn và 70.000 đồng/học sinh/tháng đối với thành thị;
- Học sinh THPT đóng 50.000 đồng/học sinh/tháng đối với nông thôn và 85.000 đồng/học sinh/tháng đối với thành thị.
- Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, quy định nêu rõ 8 khoản thu có mức trần và không có mức trần đối với từng cấp học, tuy nhiên phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức thu nhập trên từng địa bàn, phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện.

Đặng Anh