Thứ 7, 23/11/2024, 16:31[GMT+7]

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Chủ nhật, 20/10/2024 | 22:59:16
3,368 lượt xem
Trò chơi dân gian vốn được xem là một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngày nay, bên cạnh các hoạt động giáo dục tích cực, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc đưa các trò chơi dân gian vào môi trường học đường để học sinh trải nghiệm vừa học vừa chơi một cách an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học thân thiện.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng) hào hứng với trò chơi nhảy bao bố.

Tại Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng), vào các dịp lễ tết, khuôn viên nhà trường lại rộn rã tiếng cười, tiếng cổ vũ hò reo của thầy trò nhà trường. Học sinh thi nhau nhảy bao bố, kéo co, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, nhảy dây… 

Em Trần Đức Anh, học sinh lớp 4 chia sẻ: Em rất thích các trò chơi như kéo co, nhảy bao bố bởi bình thường, muốn chơi những trò này phải có nhiều bạn và bao tải, dây thừng. Khi chơi các trò chơi này, chúng em thấy rất vui và đoàn kết với nhau hơn.

Những năm qua, Trường Tiểu học Đông Phong đã chú trọng tích hợp giáo dục thể chất với trò chơi dân gian nhằm giúp học sinh hào hứng hơn với môn học. Không chỉ được chơi, khám phá để phát triển thể chất, các em còn có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian, qua đó khơi dậy trong học sinh tình yêu quê hương, văn hóa cũng như hiểu thêm trí tuệ cha ông, có ký ức đẹp đẽ, trong trẻo về tuổi thơ. 

Bà Nguyễn Thị Bích Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh đã giúp các em thêm hào hứng với học tập, sống thân thiện, hồn nhiên, hạn chế tật xấu, tích cực rèn luyện thể chất, tâm hồn theo chiều hướng tích cực. Việc đưa các trò chơi dân gian vào giờ ra chơi và tiết hoạt động tập thể đã được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh trong trường hoan nghênh đón nhận.

Trường Mầm non thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) có trên 360 trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo. Trong các hoạt động giáo dục, nhà trường luôn nỗ lực đưa nhiều trò chơi dân gian vào cho trẻ trải nghiệm ở cả trong và ngoài lớp học. Thông qua các trò chơi, dưới sự hướng dẫn, sáng tạo của các cô giáo, các bé chơi mà học, học mà chơi để phát triển trí tuệ, rèn luyện sự nhanh nhẹn. Ở mỗi lớp, trẻ được tổ chức chơi những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi và hào hứng khi tham gia các hoạt động này. Đối với những cháu từ 2 - 3 tuổi, các cô giáo hướng dẫn chơi những trò chơi dễ nhớ như: chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống... Những trẻ lớn hơn sẽ được các cô giáo hướng dẫn chơi các trò như: kéo co, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố… 

Bà Bùi Thị Hậu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đa số những trò chơi dân gian thường sẽ gắn liền với những bài ca dao, đồng dao nhằm tăng thêm sự thú vị cho mỗi trò chơi. Chính điều này đã tạo ra tính nhịp điệu để giúp các bạn nhỏ có thể nhớ kỹ và dễ dàng học thuộc lòng những câu thơ dân gian. Bên cạnh đó, các trò chơi còn giúp các bạn nhỏ phát huy sự linh hoạt, nhanh nhạy và cách xử lý vấn đề thông minh hơn. Các cô giáo cũng có thể chơi cùng các con, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa cô và trò.

Trẻ Trường Mầm non thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) với trò chơi nu na nu nống.

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những nội dung tích cực của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nội dung này rất phù hợp, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học vì đặc thù lứa tuổi, các em được tham gia hoạt động ngoài trời, hòa mình vào các trò chơi, có điều kiện rèn luyện thân thể. Những trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy, sự khéo léo, rèn luyện sức khỏe mà còn là bài học giúp trẻ hiểu và thêm yêu nền văn hóa dân tộc cũng như bồi đắp thêm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục khuyến khích các nhà trường bố trí không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa, giờ thể dục; khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể dục thể thao… Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phụ trách đội để có thêm nhiều trò chơi dân gian hơn nữa tạo nên sự đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua đó giúp các em có một tuổi thơ đẹp và nhiều kỷ niệm với các bạn, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước.

                                                                                  Đặng Anh