Chủ nhật, 17/11/2024, 12:16[GMT+7]

Hành trình mang con chữ vượt trùng khơi

Thứ 6, 15/11/2024 | 16:46:57
115 lượt xem
Hàng năm, nhất là vào dịp tháng 11, các cấp, các ngành và toàn xã hội đều quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam, dành tình cảm đặc biệt tri ân, tôn vinh các thầy giáo, cô giáo. Tại những điểm trường nơi đảo xa, chúng tôi đã được chứng kiến các nhà giáo vẫn hàng ngày miệt mài bên cây bút, tấm bảng, tiếp tục hành trình thiêng liêng “gieo chữ” trên quần đảo Trường Sa.

Lớp học trên đảo Đá Tây A.

Lớp học dưới cánh chim hải âu 

Trên hành trình hàng trăm hải lý đến với huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), những phóng viên lần đầu được ra thăm đảo như tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh vật, con người nơi đây. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của nhân dân nên giờ đây quân và dân trên các đảo đã có cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Các cháu nhỏ đã có thể đến lớp học, trường học được xây dựng khang trang, có đủ thiết bị dạy học, khu vui chơi. 

Đến thăm và trò chuyện với thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền, tôi được nghe thầy kể về kỷ niệm đầy ấn tượng và nhớ mãi trong “cuộc đời cầm phấn” của mình. Thầy Truyền cho biết: Cả đêm trước ngày khai giảng đầu tiên ở đảo, tôi thấp thỏm không ngủ được. Được dạy học ở Trường Sa với tôi là niềm khát vọng. Tôi nghĩ được “gieo chữ” nơi xa nhất của Tổ quốc là vinh dự lớn lao. Cảm giác được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thật tự hào vô cùng. Tình yêu Tổ quốc là động lực giúp tôi quên đi nhọc nhằn, khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió. 

Thầy Truyền kể với chúng tôi, thầy được lựa chọn ra thị trấn Trường Sa dạy học từ tháng 5/2023. Đêm đầu tiên ngả lưng trên chiếc giường, chưa quen khí hậu, thầy không sao chợp mắt. Bao câu hỏi đặt ra trong đầu về chuyện dạy học, về thời gian công tác trên đảo, đặc biệt nỗi nhớ đất liền cứ hiện hữu trong đầu. “Những lúc như vậy, tôi cứ nghĩ đến những đứa trẻ và lớp học bên bờ sóng, dưới cánh chim hải âu khiến tôi cảm giác đời mình đã làm việc có ý nghĩa” - thầy Truyền chia sẻ. 

Thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền hàng ngày miệt mài với sự nghiệp.

Trường Sa đẹp hơn nhờ “người cầm phấn” 

Năm học 2023 - 2024, quần đảo Trường Sa có thêm một ngôi trường mới giữa ngàn trùng sóng nước, đó là Trường Tiểu học Đá Tây đóng trên đảo Đá Tây A. Thầy giáo Nguyễn Công Qua viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Ngôi trường đầu tiên mà ở đó thầy Qua được thỏa niềm mong ước “gieo chữ” cho trẻ em là Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn. Sau 4 năm “chở đò” bên bờ sóng, thầy Qua được điều sang đảo Đá Tây A tiếp tục dạy học cho các em ở đây. Thầy Qua chia sẻ: Dạy học ở Trường Sa dù có thiếu thốn về vật chất nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương. Bước vào năm thứ 5 dạy học ở Trường Sa, tôi luôn tâm niệm được cống hiến cho Trường Sa là một vinh dự lớn lao, mỗi học sinh của tôi cũng như một chiến sĩ nhí, đang ngày đêm học tập, cống hiến để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Những ngôi trường hiện diện trên quần đảo Trường Sa khẳng định ở đâu có chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở đó có sự nghiệp “trồng người”, ở đâu có người Việt, chữ quốc ngữ của đất nước ta hiện diện ở đó. Càng gắn bó với đảo, càng thấy cuộc đời mình đã sống có ý nghĩa. Các em học sinh ở nơi xa nhất của Tổ quốc không chỉ học chữ và kiến thức mà được học tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước. Sự nghiệp giáo dục ở Trường Sa không tách rời điều đó. 

Anh Lê Xuân Việt, cư dân đảo Đá Tây A cho biết: Tôi có hai con, cháu lớn năm nay 11 tuổi, còn cháu thứ hai 8 tuổi, tất cả đều là học sinh của thầy Qua. Thầy rất trách nhiệm trong dạy dỗ, chăm sóc bọn trẻ, nhờ đó vợ chồng tôi yên tâm sản xuất, huấn luyện trên đảo. Bên cạnh sự chỉ bảo, dạy dỗ tận tình của các thầy giáo, các cháu nhà tôi còn có “người thầy thứ hai” là những người lính trên đảo. 

Em Trương Nguyễn Triệu Vi, thị trấn Trường Sa chia sẻ: Ngoài giờ trên lớp học, em cùng các bạn hay tới thư viện để đọc sách, đọc sách giúp em có thêm kiến thức. Ngoài ra, em thích nhất là những cuốn truyện tranh gửi từ đất liền ra và mỗi lần có sách, truyện mới chúng em đều đọc rất đông vui. 

Các em nhỏ có khu vui chơi riêng trên đảo.

Mỗi ngày đến trường, các em nhỏ được học tập trong môi trường an toàn, được các thầy tận tình hướng dẫn, được tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ hòa quyện cùng tiếng sóng biển rì rào tạo nên bản hợp ca tuyệt đẹp giữa đảo xa. Tri ân tới các các thầy giáo nơi đảo xa, bản thân tôi và các thành viên đoàn công tác đều tin rằng mạch nguồn tri thức ở đây không chỉ sinh tồn mà sẽ còn phát triển mạnh mẽ, vươn cao, đi xa, góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng phát triển.

Tiến Đạt