Thứ 7, 04/01/2025, 10:53[GMT+7]

"Cú hích" thay đổi tư duy giáo dục

Thứ 4, 01/01/2025 | 12:17:02
1,935 lượt xem
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ tạo ra môi trường giáo dục số, ngành giáo dục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường. Qua đó góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục thông minh, chất lượng tốt, chi phí thấp cho người dân.

Trường Tiểu học và THCS Thụy Duyên (Thái Thụy) tăng cường sử dụng công nghệ trong các tiết học.

Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá 

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Tại Thái Bình, thời gian qua, ngành giáo dục luôn chú trọng ứng dụng CNTT, chuyển đổi trong thực hiện các nhiệm vụ, thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. 

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học bao gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính... Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của hơn 400.000 hồ sơ học sinh về số hóa thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe… và gần 25.000 hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý về trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn từ 747 trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học. Thực hiện Đề án 06  phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn tỉnh.

Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip (mô hình 13) và quản lý trường học (mô hình 23) là những nhiệm vụ thuộc Đề án 06 mà ngành giáo dục đã và đang thực hiện thí điểm tại Trường THPT Bắc Duyên Hà và Trường THPT Nam Duyên Hà. 

Bà Vũ Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Duyên Hà cho biết: Toàn bộ quá trình thi tại trường đều được giám sát trực tuyến và tập trung theo thời gian thực thông qua hệ thống phần mềm. Sau buổi thi, hệ thống sẽ tự động chấm điểm, điều này giúp giảm nhân lực và thời gian vì không phải thành lập hội đồng chấm thi và tổ chức chấm thi. Kết quả được “đóng gói” và lưu trữ trên hệ thống máy chủ giúp giảm thủ tục lưu trữ giấy tờ, tạo thuận tiện cho quá trình thanh tra, xác minh sau kỳ thi và báo cáo dữ liệu trực tiếp tới các cấp có thẩm quyền liên quan. 

Đồng quan điểm về tính nhanh, gọn, thiết thực và minh bạch, sau một thời gian ngắn triển khai thí điểm mô hình số 23, Ban Giám hiệu và toàn thể giáo viên, học sinh Trường THPT Nam Duyên Hà đều phấn khởi về sự hiện đại và những tiện ích thiết thực của mô hình. 

Ông Phạm Hoài Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mô hình 23 là một bước đột phá mới trong chuyển đổi số ngành giáo dục tiện lợi, an toàn, bảo mật, giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong việc thu thập, quản lý dữ liệu về trường học, lớp học... trên môi trường điện tử nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó giúp giảm áp lực quản lý hồ sơ, sổ sách thủ công, tiết kiệm thời gian, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Có thể thấy, việc thí điểm 2 mô hình Đề án 06 là bước đi mang tính tiên phong của ngành giáo dục khi ứng dụng công nghệ thúc đẩy giáo dục số, góp phần đẩy nhanh quá trình đưa Đề án đi vào thực tiễn. 

“Cú hích” thay đổi tư duy giáo dục 

Cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động bắt nhịp với chuyển đổi số trong dạy và học, quản lý và quản trị nhà trường. Tại Trường Tiểu học và THCS Thụy Duyên (Thái Thụy), 5 năm qua, 100% cán bộ, giáo viên đều đã sử dụng thành thạo giáo án điện tử. Nếu như trước đây, việc soạn giáo án trên giấy mất rất nhiều thời gian do phải kẻ vẽ, trình bày kế hoạch... thì nay giáo án điện tử đã khắc phục hoàn toàn những khó khăn này. Cùng với đó, Trường có hệ thống CNTT phục vụ công tác chuyển đổi số trên tất cả các lớp học, phòng tin học, phòng học thông minh và phòng học tiếng Anh; phần mềm quản lý học sinh, tuyển sinh đầu cấp. 

Ông Nguyễn Như Thời, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong công tác chuyên môn, các kế hoạch được quản lý trên phần mềm quản lý hồ sơ điện tử của nhà trường. Nhà trường đã áp dụng một số phần mềm như: phần mềm về điểm số, phần mềm về kế toán, tất cả đã được số hóa. Nhiều buổi họp chuyên môn cũng được triển khai trực tuyến để cán bộ, giáo viên tranh thủ thời gian phục vụ hoạt động giảng dạy và trau dồi kiến thức. Sau nhiều năm áp dụng công nghệ số, cán bộ, giáo viên đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn và có độ chính xác cao hơn. Trong việc triển khai đến học sinh, học sinh rất thích thú với những tiết học ứng dụng CNTT, làm thí nghiệm ảo trên nền tảng số; qua đó, giúp các em dễ dàng tiếp cận và hiểu vấn đề hơn. 

Thực tế cho thấy, ngành giáo dục đang “hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ tạo ra hiệu ứng khác nhau trong giáo dục và mang lại nhiều giá trị tích cực. Với giáo dục mầm non, các nhà trường đang sử dụng các phần mềm trong tổ chức các hoạt động như: phần mềm kidsmart, happykids, phần mềm dinh dưỡng nutrikids, có thiết bị máy chiếu và có kết nối mạng internet; 100% cán bộ quản lý và giáo viên biết ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ. Các cơ sở giáo dục trung học trang bị các phần mềm quản lý như: thi đua - khen thưởng, giáo dục thông minh, quản lý cán bộ, viên chức, quản lý hồ sơ giáo viên và học sinh... Đồng thời, xây dựng kho tài liệu, đề kiểm tra định kỳ phục vụ hoạt động giảng dạy của giáo viên, ôn tập của học sinh. Đặc biệt, Thái Bình đã áp dụng phần mềm tuyển sinh đầu cấp đối với cấp tiểu học, THCS, THPT, qua đó bảo đảm công tác tuyển sinh diễn ra minh bạch, đúng tuyến. 

Dù đã quyết liệt nhập cuộc với tâm thế chủ động khi hòa vào tiến trình chung của dòng chảy chuyển đổi số quốc gia nhưng trong thực tế triển khai, ngành giáo dục Thái Bình gặp không ít khó khăn về: cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, một bộ phận đội ngũ giáo viên còn chậm trong sử dụng CNTT và kinh phí trong thực hiện chuyển đổi số. Ngành giáo dục đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số giáo dục, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục, xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ và ứng dụng công nghệ mới vào đào tạo. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số; tăng cường kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường trên nền tảng số theo đúng mục tiêu đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra. 

Đặng Anh