Thứ 2, 27/01/2025, 11:28[GMT+7]

9 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới theo nhóm ngành

Chủ nhật, 26/01/2025 | 09:07:03
785 lượt xem
9 trường Việt Nam được THE xếp hạng ở 8 nhóm ngành, tăng ba so với năm ngoái, thứ hạng cao nhất là 301-400 thuộc về ngành Kinh doanh và Kinh tế, Kỹ thuật và Khoa học vật lý.

Một góc Đại học Kinh tế TP HCM. Ảnh: website nhà trường

Tổ chức Times Higher Education (THE) hồi giữa tuần công bố bảng xếp hạng đại học thế giới 2025 theo nhóm ngành. Các trường của Việt Nam được xếp hạng ở 8/11 nhóm, gồm: Kinh doanh và kinh tế, Khoa học máy tính, Nghiên cứu giáo dục, Kỹ thuật, Khoa học sự sống, Y tế và sức khỏe, Khoa học vật lý, Khoa học xã hội.

Ba đại diện mới góp mặt là Đại học Kinh tế TP HCM, Y Hà Nội và Mở TP HCM. Nhìn chung, các trường được xếp chủ yếu trong nhóm 301-1.000, không thay đổi nhiều so với năm ngoái.

Đại học Duy Tân và Tôn Đức Thắng thường có thứ hạng cao hơn cả. Hai trường cùng được xếp hạng 301-400 ở nhóm ngành Kỹ thuật, Khoa học sự sống và Khoa học vật lý.

Trong lĩnh vực Y tế và sức khỏe; Khoa học xã hội, Đại học Duy Tân thuộc nhóm 401-500, trong khi Đại học Tôn Đức Thắng ở hạng này với ngành Khoa học máy tính.

Ở nhóm ngành Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM ở vị trí 301-400. Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện duy nhất được xếp hạng về Nghiên cứu giáo dục - nhóm 401-500, tương tự năm ngoái.

9 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới theo nhóm ngành

THE là một trong ba tổ chức xếp hạng có quy mô lớn nhất thế giới, bên cạnh QS và Shanghai Ranking. Tổ chức này cho biết có 5 nhóm tiêu chí đánh giá gồm Giảng dạy (Teaching), Môi trường nghiên cứu (Research Environment), Chất lượng nghiên cứu (Research Quality), Chuyển giao công nghệ (Industry), Mức độ quốc tế hóa (International Outlook). Mỗi nhóm tiêu chí chiếm 4-30% trọng số, nhiều nhất là Môi trường nghiên cứu.

Đây cũng là lý do trường Đại học Duy Tân và Tôn Đức Thắng có vị trí cao so với các đại diện khác của Việt Nam trên bảng xếp hạng. Theo kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, hai trường có nhiều chính sách tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chi tỷ lệ lớn từ nguồn thu cho hoạt động này (10-20%). Ngoài nghiên cứu của giảng viên, cả hai còn ký hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Điều này góp phần làm tăng số lượng công bố quốc tế và chỉ số trích dẫn.

Nhìn chung, các đại học Mỹ thống trị bảng xếp hạng. Đại học Stanford đứng đầu về Nghiên cứu giáo dục, Luật và Tâm lý học, còn Harvard ở vị trí số 1 về Kỹ thuật và Khoa học đời sống, Viện Công nghệ California dẫn đầu về Khoa học vật lý. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng đầu ba nhóm ngành Nghệ thuật và nhân văn, Kinh doanh và kinh tế và Khoa học xã hội, dù trường này có bề dày lịch sử về Khoa học công nghệ, kỹ thuật và Toán học (STEM).

Đại học Oxford, Anh, đứng đầu trong nhóm Khoa học máy tính, Y tế và sức khỏe.

Ở châu Á, Trung Quốc đại lục và Singapore đều có trường nằm trong top 50 của tất cả nhóm ngành. Các đại học Hong Kong được xếp hạng ở 9 nhóm ngành, còn Nhật Bản là 8.

Thành tích tốt nhất của các đại học châu Á là ở ngành Kinh doanh và kinh tế, khi Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa (Trung Quốc) giành hạng 4 và 6 thế giới. Đại học Quốc gia Singapore xếp thứ 9 về Kỹ thuật và top 10 về Khoa học vật lý.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa