Thứ 3, 11/02/2025, 16:43[GMT+7]

Nâng cao ý thức tôn trọng, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong học sinh

Thứ 3, 11/02/2025 | 07:14:32
373 lượt xem
Những năm gần đây, việc giáo dục truyền thống cho học sinh trên địa bàn tỉnh thông qua di sản văn hóa được các nhà trường chú trọng. Điều này không chỉ thể hiện đổi mới phương pháp dạy và học mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong học sinh.

Chuyên đề “Dạy học gắn với di sản văn hóa” của Trường THCS Thống Nhất (Hưng Hà) tại đền Khoai Đồng, thôn An Đình, xã Thống Nhất.

Xã Canh Tân (Hưng Hà) được biết đến là vùng đất cổ, nơi có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngôi đình, đền, chùa đều mang giá trị lịch sử quý báu, gắn liền với những chiến tích hào hùng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Trong đó có cụm di tích đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc. Đây là nơi thờ phụng tứ vị đại vương, trong đó có hai danh nhân lịch sử: Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Điều, người có công phò 4 triều vua nhà Lý thế kỷ XI - XII. Trong chuyên đề “Dạy học gắn với di sản văn hóa”, các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Lưu Khánh Đàm (xã Canh Tân) đã thể hiện tiểu phẩm song ngữ Việt - Anh, giới thiệu cho người nước ngoài về cụm di tích.

Ông Trần Đức Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lưu Khánh Đàm cho biết: Chuyên đề giúp học sinh hiểu được một phần công lao của Thái úy Lưu Khánh Đàm, biết được địa danh đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc. Qua tiết học giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về văn hóa truyền thống của địa phương, giáo dục học sinh có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. 

Theo cô giáo Vũ Thị Tuyên, Tổ phó Tổ xã hội, Trường Tiểu học và THCS Lưu Khánh Đàm, chuyên đề được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa, học sinh tự tìm hiểu, tổ chức, thực hiện, giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Ngoài tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa thì việc dạy học gắn với di sản còn được thực hiện dưới hình thức sử dụng, lồng ghép, tích hợp với các môn học phù hợp như Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc, đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế... 

Những tưởng thời đại công nghệ 4.0, học sinh tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ số sẽ ít hứng thú với di sản văn hóa, song thực tế mỗi chuyên đề dạy học gắn với di sản, mỗi chương trình ngoại khóa đều trở nên lý thú, bổ ích đối với mỗi học sinh. Buổi diễn tại phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng) bắt đầu trong không khí rất háo hức của các em học sinh Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng). Những tràng pháo tay rộn rã, những gương mặt, ánh mắt từ ngạc nhiên đến thích thú khi dõi theo từng con rối trong mỗi phần biểu diễn. 

Em Nhâm Mạnh Đô, học sinh Trường Tiểu học Đông Phong chia sẻ: Khi cô giáo thông báo chúng em sẽ được xem múa rối nước, em rất háo hức. Em rất hâm mộ các nghệ nhân. Đó là những ông bà, cô chú phải ngâm mình trong nước để điều khiển con rối, diễn trò, là các nhạc công phía sau tấm rèm. 

Học sinh Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng) trải nghiệm thực tế tại phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng) 

Em Phạm Ngọc Anh, học sinh Trường THCS Thống Nhất (Hưng Hà) cho biết: Tháng 12/2024, chúng em được tham gia hoạt động trải nghiệm, dạy học gắn với di sản văn hóa địa phương. Chúng em được dâng hương, tham quan Đền thờ Bác Hồ (thành phố Thái Bình); xem và tìm hiểu nghệ thuật chèo tại làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng); xem múa rối nước tại xã Nguyên Xá (Đông Hưng). Năm học trước, chúng em cũng tham gia chuyên đề “Dạy học gắn với di sản văn hóa” tại đền Khoai Đồng, thôn An Đình (xã Thống Nhất). Chúng em thêm tự hào về văn hóa địa phương, được phát triển kỹ năng quan sát, thu thập tài liệu và viết báo cáo; hứng thú tìm tòi, học hỏi kiến thức lịch sử. 

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp tình hình thực tế. Hầu hết các nhà trường, phụ huynh và học sinh đều có ý thức tìm hiểu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác giáo dục di sản trong trường học nói chung được thực hiện với nhiều hình thức như: lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học phù hợp; tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản văn hóa; tham quan thực tế di sản văn hóa; tổ chức chăm sóc di tích, dạy học tại di tích... 

Theo đánh giá của lãnh đạo và giáo viên các nhà trường, việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di sản văn hóa của quê hương đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, gắn lý thuyết với thực tiễn của học sinh nhà trường. Mặt khác, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, di sản văn hóa. 

Học sinh Trường Tiểu học, THCS Lưu Khánh Đàm (Hưng Hà) tìm hiểu về cụm di tích đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc thông qua tiểu phẩm. 

Xuân Phương