Thứ 5, 20/02/2025, 09:46[GMT+7]

Thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm

Thứ 2, 17/02/2025 | 10:00:03
1,733 lượt xem
Từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện, nhiều phụ huynh cũng đồng tình với các quy định tại thông tư này.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình).

Thông tư 29 quy định: Không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định: Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp... Tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...

Giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường...

Ủng hộ nhưng nhiều lo lắng

Có hai con đang theo học ở bậc tiểu học và THPT, chị Nguyễn Thu Thảo, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) rất ủng hộ Thông tư 29. Chị cho hay: Tất cả học sinh lớp 5 nơi con tôi học đều học thêm ở nhà cô giáo, con thấy lạc lõng với các bạn trên lớp nếu không theo học. Tôi không muốn con phải học quá nhiều, từ sáng đến chiều học ở trường, tối tiếp tục học ở nhà cô giáo, không còn thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí. Với con trai đang học lớp 11, chị Thảo cho con học thêm tại một trung tâm có đăng ký kinh doanh. Chị cho biết, con chỉ học thêm những môn con dự định chọn thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng trước Thông tư 29. Theo chia sẻ của một phụ huynh ở phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình): Giáo viên dạy con ở trường sẽ là người hiểu nhất những điểm mạnh, điểm yếu của con để có thể giúp con nắm vững kiến thức hơn, chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi quan trọng và cạnh tranh cao sắp tới. Vì vậy, tôi thực sự mong con sẽ được học thêm với chính giáo viên đang dạy. Cũng theo phụ huynh này, việc dạy thêm ở trường sẽ tận dụng được cơ sở vật chất có sẵn và vì thế sẽ giảm bớt chi phí, thời gian đưa đón cho phụ huynh so với việc đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài trường. Nếu con học thêm ở trường, tôi rất yên tâm nhưng con ở nhà nửa ngày buổi chiều sẽ không ai quản lý, trẻ rất dễ sa đà vào các loại thiết bị điện tử như tivi, ipad, điện thoại, đặc biệt khi công nghệ ngày càng phát triển và môi trường internet ngày càng phức tạp. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành cùng với gia đình có những giải pháp phù hợp để bảo đảm chất lượng học tập cũng như cho các con phát triển các kỹ năng cần thiết.

Thực hiện nghiêm, cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Từ ngày 14/2, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đã dừng dạy thêm buổi chiều đối với học sinh THCS, THPT; các lớp học thêm tại nhà giáo viên cũng dừng. Về việc dừng dạy thêm, học thêm trong trường, nhiều lãnh đạo các trường cho biết sẽ dẫn đến những khó khăn, nhất là trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, ôn thi cho học sinh cuối cấp. Mặc dù vậy, việc thực hiện Thông tư 29 là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm định hướng và phát huy năng lực tự học của học sinh và nâng cao chất lượng các tiết học. 

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Côi cho biết: Nhà trường đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên tinh thần Thông tư 29; các tổ chuyên môn phải tích cực thay đổi phương pháp tổ chức, dạy học chính khóa; thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá để thích ứng... 45 phút mỗi tiết học là cực kỳ quý giá, giáo viên phải tranh thủ toàn bộ thời gian, tận dụng triệt để làm sao truyền đạt cho học sinh trọn vẹn kiến thức, kỹ năng cần đạt mà tiết học quy định. Đồng thời, mỗi giáo viên bộ môn tăng cường hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, có những nội dung yêu cầu học sinh phải tự học, tự đọc, tự nghiên cứu, có giải pháp để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của học trò, qua đó giúp phát huy phẩm chất, năng lực người học đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới. Nhà trường vẫn đang tính toán, lên kế hoạch để làm sao vừa tốt nhất cho học sinh cuối cấp vừa đáp ứng đúng quy định của Thông tư 29.

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Thông tư 29 quy định cụ thể những nội dung được dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Ngay trước khi kết thúc học kỳ I, Phòng đã chỉ đạo các trường tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh nội dung Thông tư 29. Trong đó, đặc biệt triển khai tới phụ huynh học sinh tại cuộc họp phụ huynh ngay khi kết thúc học kỳ I để phụ huynh, học sinh hiểu được Thông tư 29. Phòng đã chỉ đạo các trường tổ chức họp phụ huynh và yêu cầu cán bộ, giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc Thông tư 29.

Cũng theo ông Vũ Giang Lâm, thực hiện Thông tư 29 thì phải nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, đặc biệt nâng cao việc dạy học sinh phương pháp tự học để các em quản lý tốt thời gian ở nhà của mình nhằm nâng cao chất lượng học tập phục vụ các cuộc kiểm tra, các kỳ thi chuyển cấp... Phòng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhất là giao cho các trường quản lý giáo viên, đặc biệt là giáo viên có đề nghị, xin phép được dạy thêm ngoài nhà trường, phải thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm sự công bằng và nguyên tắc quản lý giáo dục. Phòng đã tham mưu UBND thành phố thành lập tổ công tác, kiểm tra liên ngành để kiểm tra các đơn vị, các tổ chức có đăng ký dạy thêm, học thêm. Về phía giáo viên, nếu phát hiện có vi phạm, Phòng sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật cũng như của ngành.

Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29, Sở đã triển khai đến các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục; yêu cầu triển khai Thông tư đến cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự thống nhất. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Căn cứ các quy định của Bộ, của UBND tỉnh, Sở sẽ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 29 mà vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục trên địa bàn. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định.

Tỉnh Thái Bình hiện có 747 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT; 12.118 lớp với trên 400.000 học sinh, gần 24.800 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên. Theo quy định của Thông tư 29, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ ngành giáo dục vào cuộc thì chưa đủ. Bên cạnh đó, chính đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần là những người phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm nghề nghiệp, nghiêm túc thực hiện các quy định.

Học sinh Trường THPT Quỳnh Côi tham gia chuyên đề "Sân khấu hoá các tác phẩm văn học".

Xuân Phương