Thứ 4, 16/04/2025, 10:05[GMT+7]

Rèn nhân cách, truyền đam mê học tập cho học trò

Thứ 3, 08/04/2025 | 09:04:10
4,699 lượt xem
Không chỉ làm công tác giảng dạy, các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nói chung, GVCN lớp tiểu học ở thành phố Thái Bình nói riêng còn sát sao với từng học sinh, uốn nắn, rèn luyện nhân cách, truyền đam mê học tập cho các học trò.

Cô giáo Trần Thị Mượt, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình) hướng dẫn học sinh học bài.

Công tác chủ nhiệm lớp có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Thầy, cô chủ nhiệm được ví như người cha, người mẹ của học sinh, trường học chính là ngôi nhà thứ hai của các em. Những năm qua, thầy, cô chủ nhiệm đã thay đổi, dần xa lối giáo dục “rập khuôn” với những lời giáo điều, răn đe. Các giờ học, tiết sinh hoạt trở nên sôi động, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm được tăng cường, cô trò hiểu nhau, gần gũi hơn. 

Cô giáo Trần Thị Mượt, chủ nhiệm lớp 5A1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, làm công tác chủ nhiệm nhiều năm. Trong vai trò chủ nhiệm lớp, cô luôn tận tâm, dốc sức cho học sinh và coi các em như những đứa con của mình. Nhận ra nhiều em khó khăn về tâm lý, hành vi, cô từng bước tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề tâm lý học sinh gặp phải; kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời. Trong quá trình giáo dục, theo dõi và giúp đỡ các em, phụ huynh và nhà trường cũng quan tâm sát sao, cảm thông chân thành tới tâm trạng, hoàn cảnh của mỗi em. Cô Mượt chia sẻ: Tùy theo mỗi loại hình tâm lý học sinh đang gặp phải mà tôi lựa chọn các biện pháp phù hợp trên những phương diện về cảm xúc, hành vi, học tập, hòa nhập hay giao tiếp để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc hỗ trợ giải quyết khó khăn tâm lý học sinh. Trong đó, tập trung xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc; lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ ý kiến của học sinh; tạo môi trường an toàn và tin tưởng cho học trò... 

Em Đỗ Hà Linh, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: Sự gần gũi, quan tâm của cô đã khiến chúng em chủ động chia sẻ những điều đang gặp trở ngại trong học tập, cuộc sống. Chúng em biết đoàn kết, yêu thương, quan tâm chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, không còn gây gổ, bắt nạt nhau. 

Cuối mỗi tiết học của cô Bùi Thị Quyên, GVCN lớp 1A4, Trường Tiểu học Kim Đồng, thường có những câu hỏi: Bài này các em đã học được cái gì mới? Có điều quan trọng gì các em muốn giải đáp thêm? Học sinh suy nghĩ (có thể viết ra giấy) và trả lời câu hỏi trong vòng 1 phút. Đây là kỹ thuật trình bày 1 phút mà cô Quyên áp dụng để nắm lực học của từng học sinh. Bên cạnh đó, cô Quyên cũng vận dụng kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật trạm, kỹ thuật chia sẻ nhóm đôi (think - pair - share), kỹ thuật động não. Từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong việc hướng dẫn các em phương pháp học tập thích hợp. Cô Quyên cho biết: Chủ nhiệm lớp đầu cấp, các em mới bắt đầu chuyển tiếp từ cấp mầm non sang tiểu học, môi trường thay đổi hoàn toàn khác. GVCN lớp 1 không khác gì một người mẹ, vừa phải giảng dạy chuyên môn vừa quản lý lớp sát sao hàng ngày, chăm sóc, dạy dỗ để tạo cho các em thói quen tuân thủ nền nếp, quy định của lớp học. Làm công tác chủ nhiệm nhiều năm giúp tôi có nhiều kinh nghiệm, rèn luyện bản thân. Khi nhìn thấy học sinh của mình lớn lên từng ngày, ngoan ngoãn, biết tuân thủ nội quy của lớp, của trường, có ý thức tự giác học tập... đó là niềm hạnh phúc lớn lao vì công sức của mình đã có được thành quả tốt đẹp. 

Theo bà Đỗ Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng: Với vai trò GVCN, cô Bùi Thị Quyên góp phần nâng cao chất lượng học tập, giúp học sinh nhận ra giá trị của bản thân. Từ đó các em mạnh mẽ, tự tin hơn trong hành trình phát triển toàn diện. Lớp cô giáo Quyên chủ nhiệm luôn đạt được nhiều thành tích, dẫn đầu trong các hoạt động của trường. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phụ thuộc rất lớn vào vai trò của GVCN, những người được ví như “đầu tàu” trong việc dẫn dắt, truyền cảm hứng và định hướng cho học sinh. Mỗi giáo viên nói chung, GVCN lớp tiểu học nói riêng cần đổi mới, sáng tạo trong công việc, thực hiện những việc làm ý nghĩa để giúp học sinh thay đổi tư duy, phát triển kỹ năng và đạt được thành công trong học tập cũng như cuộc sống.

Giờ học của lớp cô giáo Bùi Thị Quyên, Trường Tiểu học Kim Đồng.

Xuân Phương