Thứ 4, 14/05/2025, 09:18[GMT+7]

"Người lái đò" trên "dòng sông cuộc đời"

Thứ 4, 20/11/2013 | 08:49:21
2,011 lượt xem
Mọi cung bậc của cảm xúc xen lẫn với những con chữ, những phép tính, những định nghĩa, định lý… khiến cuộc đời mỗi thầy giáo, cô giáo trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Mỗi giờ phút được đưa những "đứa con" đến bến bờ tri thức là niềm vui, niềm hạnh phúc và âu cũng là nỗi trăn trở của mỗi "người lái đò”.

Cô Nguyễn Thị Khánh, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp Thành phố Thái Bình trong tiết sinh hoạt với học sinh lớp mình chủ nhiệm.

Cô Nguyễn Thị Khánh (Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp Thành phố Thái Bình) chia sẻ: "Trong công tác chủ nhiệm, có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của chúng tôi vì phải quản lý một số học sinh yếu về kiến thức, kỹ năng, kém về đạo đức, tư cách. Nhưng bằng tình thương yêu, coi học sinh như con đẻ của mình, dần dần tôi đã thuyết phục, cảm hóa được các em chăm ngoan hơn, kỷ cương nền nếp hơn và có mục tiêu học tập rõ ràng hơn. Sau một khóa học 3 năm, các em do lớp tôi chủ nhiệm đều trưởng thành rất nhiều và đã có việc làm, cuộc sống ổn định và trở thành những người có ích cho xã hội. Những thành công nho nhỏ ấy cũng đã là niềm vui, niềm hạnh phúc giúp tôi ngày càng đứng vững hơn trong môi trường giáo dục thường xuyên".

Qua những lời tâm sự chân thành của cô Khánh, chúng tôi hiểu được trong cuộc sống, khi niềm vui được nhân đôi cũng là lúc nỗi buồn sẻ đi một nửa khi những người thầy luôn luôn tìm cách giúp đỡ đồng nghiệp, học trò để mong sao họ vơi đi những khó khăn, lo lắng của cuộc sống thường ngày. Sự bao dung, độ lượng, yêu nghề sẽ là một phẩm chất rất cần của người giáo viên.

Khác với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm sẽ gánh vác thêm trách nhiem của một người quản lý toàn diện lớp học để làm sao dạy cho học sinh có lối sống trung thực, biết đoàn kết, gắn bó, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cô Phạm Thị Ngọc Mai (Trường THPT Nam Đông Quan) cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm phải là người thầy nhiệt tình, gần gũi và hết lòng thương yêu học sinh. Kịp thời phát hiện, uốn nắn, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc của học sinh, những tình huống xấu có thể xảy ra. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để tập thể lớp được vững mạnh, học sinh có điều kiện học tập. Tôi còn nhớ, ngày xưa lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, lớp chúng tôi quá hiếu động nên đã khiến cô giáo chủ nhiệm phải rơi nước mắt. Chính những giọt lệ của cô khiến chúng tôi hiểu rằng cô lo cho mình như một người mẹ lo cho những đứa con. Những hôm trời lạnh, do hoàn cảnh khó khăn nên có bạn không đủ áo ấm để mặc, cô đã vận động, quyên góp từ các giáo viên trong trường để giúp bạn đó được mặc ấm mỗi khi đông lạnh về”.

Thời gian làm báo giúp tôi được tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những thầy giáo, cô giáo. Nhiều câu chuyện về tình thầy trò khiến tôi rơi nước mắt. Có những cô, cậu học trò nếu không được sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô thì có lẽ con đường học tập đã "đứt gánh" giữa chừng. Nếu "người lái đò” không biết cách chèo lái thì có lẽ những người trên con đò sẽ dần bị những dòng xoáy cuộc đời cuốn theo.

"Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu/Đời vui tiếng ca ríu rít như bên bầy chim xinh/Máy reo vang trường ta, lúa xanh tươi đẹp đồng ta/Dựng xây đất nước chúng ta mau cùng góp phần"... Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe thấy ca từ bài hát "Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người làm nghề giáo. Mong sao các thầy, các cô bằng lòng yêu nghề, tận tâm với trò vượt qua những thăng trầm trên "dòng sông cuộc đời", đưa những đứa con ngoan đến bến bờ tri thức.

   Đặng Anh

  • Từ khóa