Thứ 2, 20/01/2025, 09:54[GMT+7]

Tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hướng tới mục tiêu "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục..."

Thứ 4, 20/11/2013 | 14:43:19
1,157 lượt xem
Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, năm học 2012-2013 ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Thái Bình đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục”. Gắn kết có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua sâu rộng, tiếp tục thực hiện tốt chủ đề “Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh”. Kết thúc năm học từ quy mô đến chất lượng đều phát triển ổn định với nhiều thành tích cao hơn.

Ảnh minh họa. Minh Đức

Ngành học mầm non đã tập trung thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi nên đến cuối năm 2012 Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và tặng cờ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. 100% trường thực hiện chương trình GDMN mới, tích cực chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp đổi mới phương pháp, để nâng cao chất lượng giáo dục. Duy trì được 100% số trường với 95,1% cháu nhà trẻ và 98,1% cháu mẫu giáo được ăn bán trú; tỷ lệ trẻ phát triển ở kênh bình thường là 95,5%, trẻ suy dinh dưỡng còn 4,5%. Liên ngành Y tế - Giáo dục đã phối hợp kiểm tra VSATTP và phòng dịch bệnh cho trẻ. Công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật được các đơn vị quan tâm chỉ đạo và thực hiện thường xuyên, có 71,6% trẻ khuyết tật được giáo dục hoà nhập tại các trường mầm non. 

Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp ở cấp tiểu học, hoạt động của thầy và trò đã nhẹ nhàng, tự nhiên hơn, tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh được phát huy. Việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), soạn giáo án theo hướng cải tiến tiếp tục được quan tâm, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả giờ lên lớp. Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) thực hiện thí điểm tại trường Tiểu học Tự Tân đã đạt được những  hiệu quả tích cực. Các hoạt động giáo dục và giao lưu như: Toán Tuổi thơ, Giải toán qua mạng, Tiếng Anh qua mạng, Viết chữ đẹp, Thi viết vẽ về GDMT, ... học sinh tiểu học Thái Bình tham gia tích cực và đoạt giải cao: Giải toán qua mạng xếp thứ nhất toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng;  Tiếng Anh qua mạng đoạt Huy chương Vàng toàn đoàn;  Giao lưu Toán Tuổi thơ toàn quốc tại Vĩnh Phúc, Thái Bình có 6 học sinh tham dự đã đạt thành tích xuất sắc với 2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ và 1 Bằng danh dự.

Đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở cả hai cấp THCS và THPT, việc cải tiến phương pháp giảng dạy cho phù hợp với nội dung chương trình SGK tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nhiều thầy cô giáo nhiệt tình, tích cực đổi mới phương pháp trong giảng dạy, nhiều tiết dạy đã thể hiện khá rõ nét việc đổi mới đồng bộ về cả nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy- học. Mô hình nhà trường đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá tiếp tục được triển khai, chủ trương “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học.” được cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng.

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng rất được quan tâm. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh tổng số 640 học sinh tham gia có 492 em học sinh đoạt giải trong đó 39 giải Nhất, 124 giải Nhì, 202 giải Ba và 127 giải Khuyến khích. Những đơn vị giữ được thành tích cao và ổn định là Đông Hưng, Thành phố; đơn vị có sự bứt phá mạnh là Quỳnh Phụ, từ vị trí thứ 5 năm 2011-2012 đã vươn lên vị trí thứ hai trong năm học này với điểm số thuyết phục. Các đơn vị còn lại đều có nhiều cố gắng vươn lên.

Thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Thái Bình có 56/72 học sinh đoạt giải trong đó 7 giải Nhì, 30 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Có 1 học sinh được tham dự kỳ thi chọn đội dự tuyển Olimpic Quốc tế. Tất cả các đội tuyển tham dự đều đạt giải trong đó có 4 đội có 100% đạt giải. Thi giải toán qua mạng, THCS Thái Bình xếp thứ nhất, đạt cúp vàng toàn đoàn; thi Tiếng anh qua Internet xếp thứ 5 toàn quốc. Tốt nghiệp THPT đạt 99,61%, bình quân điểm thi đại học Thái Bình xếp thứ 4, có 3 em đỗ thủ khoa, 529 em đạt từ 25 điểm trở lên, số học sinh đạt điểm cao của Thái Bình xếp thứ 2 toàn quốc.

Ngành học giáo dục thường xuyên (GDTX) đã bám sát nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT và căn cứ vào thực tế địa phương để triển khai nhiệm vụ GDTX của tỉnh; công tác tham mưu, tuyên truyền nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, về xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Hoạt động của các trung tâm GDTX theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ đã đi vào nền nếp; các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) được nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong năm học đã tham mưu với Tỉnh uỷ tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển trung tâm HTCĐ, tổ chức hội thảo về: “Phát triển trung tâm HTCĐ bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới”.  Đã tổ chức triển khai thành công tuần lễ Học tập suốt đời. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu “Giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về chủ quyền biên giới biển và hải đảo”  trong các cơ sở giáo dục của tỉnh. Cũng trong năm qua đã hoàn thành việc thành lập trung tâm GDTX cấp tỉnh, sáp nhập các trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (KTTH-HN) thành trung tâm GDTX-HN.

Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) của Thái Bình gồm 2 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 6 cơ sở có đào tạo TCCN, tổng số học sinh được đào tạo là 4.561 học sinh. Trên cơ sở cân đối ngành nghề đào tạo của địa phương, các trường đã chủ động mở mã ngành mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đến nay GDCN Thái Bình có 39 mã ngành đào tạo, tăng 1 mã ngành so với năm trước.

Trong GD - ĐT, vai trò của người thầy luôn giữ yếu tố quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn mới đã được Sở GD-ĐT quan tâm chỉ đạo và đã đạt được kết quả tốt. Các nhà trường đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như tổ chức hội thảo, hội giảng, hội nghị chuyên đề ở tổ, khối trong trường, cụm trường. Chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tích cực tự học, tự rèn, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin. Cán bộ quản lý, giáo viên tích cực đi đào tạo nâng chuẩn và tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giám đốc Trung tâm GDTX theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm đầu tư của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp, kết hợp của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh nên cơ sở vật chất trường học trong năm học này được tăng cường mạnh mẽ, các nguồn kinh phí của ngành GD-ĐT được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tích cực thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, các phòng giáo dục, các trường trực thuộc đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong việc mở rộng diện tích đất theo tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia; xây dựng trường THCS  liên xã, dồn điểm trường Mầm non, giảm điểm lẻ trường Tiểu học. Năm học 2012-2013 đã xây dựng thêm 20 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 7 trường THCS và 1 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Hội khuyến học Tỉnh và các cấp hội hoạt động tích cực; Hội Cựu giáo chức tỉnh đã tạo sự phối kết hợp tốt cùng ngành GD-ĐT chăm lo sự nghiệp trồng người. Chúng ta có thể khẳng định sự nghiệp giáo dục của tỉnh ta thực sự là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Công tác xã hội hoá giáo dục ở Thái Bình đã ngày càng được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, hành động thiết thực và cụ thể  của toàn đội ngũ là chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn. Tiếp tục triển khai học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tích cực thực hiện các cuộc vận động, chú trọng nội dung “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm “ Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh”. Ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu, với ý nghĩa bao trùm là, mỗi thầy cô giáo chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống cao quý, tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, tiếp tục tô thắm những truyền thống ấy bằng tất cả nhiệt huyết phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực nghiệp vụ vững vàng và lòng tận tâm nghề nghiệp để hoàn thành trọng trách cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Đặng Phương Bắc
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT)


  • Từ khóa