Thứ 5, 22/05/2025, 13:39[GMT+7]

Quà tặng thầy cô

Thứ 4, 27/11/2013 | 14:49:34
1,266 lượt xem
Cứ mỗi độ cuối thu, khi gió heo may bắt đầu se sắt mang theo hơi lạnh của những ngày đầu đông, các em học sinh lại rộn ràng chuẩn bị đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trên khắp các sân trường, trong từng lớp học, từng tốp học sinh chụm đầu say sưa bàn bạc, lựa chọn những món quà thật ý nghĩa để dành tặng thầy cô như sự tri ân sâu sắc đối với những người gánh trên vai sự nghiệp “trồng người”.

Cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) trong lễ khai giảng năm học mới 2013 - 2014. Ảnh: Thành Tâm

Không phải ngẫu nhiên mà nghề dạy học được suy tôn là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người thầy không chỉ mang tới ánh sáng tri thức cho học sinh mà còn giáo dục nhân cách, chuẩn bị cho các em vốn sống, làm hành trang để các em vững bước vào đời. Vì vậy, thẳm sâu trong lòng mỗi người đã từng ngồi trên ghế nhà trường, được thầy cô dạy bảo đều mang trong mình lòng biết ơn sâu sắc, để cứ mỗi dịp 20/11 về lại bâng khuâng trong lòng một nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô.

 

Từ món quà tinh thần quý giá…

 

Mặc dù đã rời xa mái trường, rời xa vòng tay yêu thương dạy dỗ của thầy cô khá lâu song những kỷ niệm về ngày 20/11 dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Cứ mỗi độ thu sang, tháng 11 tới, dù là học cấp 1, cấp 2, hay cấp 3 thì tôi cùng các bạn trong lớp không ai bảo ai đều cố gắng học tập thật tốt và xem đây là món quà ý nghĩa nhất gửi tặng thầy cô. Không khí của lớp những ngày này cũng khác hẳn. Các bạn nam thường ngày hay quậy phá, nói chuyện riêng trong lớp cũng chú ý học tập hơn. Mọi người đều tích cực chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Trong tiết học, ai nấy đều tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài, hăng hái phát biểu ý kiến. Chỉ cần ai đó nói chuyện hay làm việc riêng ảnh hưởng đến lớp là ngay lập tức nhận được những cái nhìn đầy trách móc với lời nhắn nhủ: “Sắp đến 20/11 rồi đấy, đừng làm thầy cô phiền lòng”. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là có được nhiều giờ học tốt, ngày học tốt, tuần học tốt.

 

Có lẽ, với thầy cô, không có món quà nào ý nghĩa hơn là được nhìn thấy học sinh chăm ngoan, học giỏi. Cùng với những giờ học tốt, học sinh các lớp còn tất bật chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để diễn trong lễ kỷ niệm 20/11. Các cô cậu học trò tranh thủ tập luyện ở khắp mọi nơi, trong giờ ra chơi, cuối tiết học hay tập trung ở nhà lớp trưởng vào dịp cuối tuần. Ai cũng cố gắng luyện tập với mong muốn sẽ có một tiết mục thật hay và ý nghĩa.

 

Với học trò, tháng 11 dường như càng tất bật hơn khi phải kiêm thêm việc viết báo tường. Nội dung tờ báo chính là nơi thể hiện lòng biết ơn của học sinh đối với thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Namon>. Những đầu báo quen thuộc như “Ơn thầy, ơn cô”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Tri ân người khai sáng”… đã gửi gắm bao tình cảm của học trò đến người thầy đáng kính.

 

…đến những món quà thắm đượm nghĩa tình

 

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ món quà đầu tiên tôi dành tặng cô giáo chủ nhiệm năm lớp 3. Sau nhiều ngày “túc trực” bên khóm hồng trong vườn mà vẫn không thể “bói” được một nụ hồng nào trong khi ngày 20/11 sắp tới gần, tôi quyết định để dành tiền ăn sáng mẹ cho để mua một bông hoa hồng đỏ tặng cô vào đúng ngày hiến chương các nhà giáo. Thật khó để diễn tả cảm xúc của tôi khi đó, nhưng tôi vẫn nhớ ánh mắt của cô khi ấy, ánh mắt lấp lánh niềm vui và hạnh phúc. Món quà tuy nhỏ bé song tôi thực sự đã gửi trọn tình cảm của mình vào trong ấy.

 

Thời gian qua đi, cùng với sự phát triển của xã hội, những món quà được lựa chọn để tặng thầy cô nhân ngày 20/11 cũng đa dạng hơn, phong phú hơn. Không còn đơn giản chỉ là những bông hoa, cuốn sổ hay cái bút…, những món quà được “thương mại hóa”, sang trọng hơn, đắt tiền hơn. Tôi chợt nghĩ, vào ngày lễ tri ân các thầy cô, điều quan trọng nhất không phải là giá trị vật chất mà chính là tấm lòng biết ơn đối với những người luôn say sưa, tận tâm với sự nghiệp “trồng người”. Việc mua những món quà đắt tiền trong khi các em chưa làm ra tiền thực sự có cần thiết?

 

Và liệu thầy cô có thực sự thấy vui mừng?

 

Trở về nhà cùng bao suy nghĩ, trăn trở, tôi gặp em gái với tốp bạn cùng lớp đang thêu một bức tranh với dòng chữ “Ơn thầy cô” màu đỏ nổi bật. Ðây sẽ là món quà các em tặng cô giáo chủ nhiệm nhân dịp 20/11 sắp tới. Nhìn các em say sưa thêu, tôi chợt sống lại những ngày còn đến lớp, khi háo hức mong đợi khóm hồng trong vườn nhà nở hoa đúng Ngày Nhà giáo Việt Namon>. Giá trị đích thực của món quà không nằm ở vật chất mà ở ý nghĩa, tình cảm, sự trân trọng của người tặng!

 

Anh Đào

 

  • Từ khóa