Thứ 6, 23/05/2025, 10:10[GMT+7]

Người chở đò

Thứ 4, 27/11/2013 | 14:55:39
1,016 lượt xem
Tháng 11 đến, trời trở lạnh sang đông. Trong tâm trí của không ít những thế hệ học trò đã rời ghế nhà trường lại hiện lên hình ảnh ngôi trường cũ, bạn bè cũ và hình bóng người thầy.

Giờ học vẽ của các cháu Trường Mầm non Hoa Hồng (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Ngọc Trâm

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Thật vậy, từ khi còn là những cô bé, cậu bé 6 tuổi rụt rè theo sau cha mẹ đến trường học buổi học đầu tiên, thầy cô giáo luôn là những người thường xuyên bên cạnh, theo sát bước chân ta, dạy ta những kiến thức cuộc sống.

 

Thầy cô dạy chúng ta biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết lễ phép với ông bà, cha mẹ, biết trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải “mặt trời biết đi” như ta vẫn nghĩ. Thầy cô dạy chúng ta biết cuộc sống muôn màu và ẩn chứa nhiều bí mật nhưng trong đó con người với vẻ đẹp “chân, thiện, mỹ”  bao giờ cũng là tuyệt vời nhất. Thầy cô với trang giáo án trong đêm, giúp ta nhận ra những suối nguồn yêu thương chảy mãi qua các trang văn, trang thơ, trang sử, giúp ta biết yêu hơn cái làng quê nhỏ bé che chở, ấp ôm ta bao tháng ngày, giúp ta thêm tự hào vì mang trong mình dòng máu kiên cường, anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

 

Ngày ngày trên bục giảng, thầy cô luôn mong truyền thụ những kiến thức mình có cho những học trò non nớt, ngây thơ. Nhưng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, chắc hẳn không ít lần vì những trò nghịch ngợm, ai đó trong số chúng ta đã khiến thầy cô buồn lòng. Những điểm xấu thầy cô ghi trong sổ đầu bài, những lời phê bình trước lớp, những lần thầy cô gửi giấy về nhà mời phụ huynh đến trao đổi về “sự không ngoan”... đã khiến chúng ta gọi những con người đáng kính ấy là “ông”, là “bà” với một thái độ thiếu thiện cảm.

 

Ðể rồi khi đi qua được dài hơn những tháng năm cuộc đời, có vấp ngã, có trải nghiệm, một lúc nào đó khi nhìn lại, ta lại muốn nói lời biết ơn những phê bình, nhắc nhở, những điểm xấu thầy cô dành cho ta ngày ấy. Sự nghiêm khắc của thầy cô không phải vì sự ghét bỏ ta mà đơn giản vì thầy cô mong muốn chúng ta tiến bộ hơn trong học tập, không vấp phải những sai lầm tương tự để có đủ kiến thức, đạo đức, sau này lớn lên là người công dân có ích cho xã hội. Và giờ đây, chắc hẳn không ít người trong chúng ta phải thốt lên: “Nếu ngày đó không có thầy cô dạy dỗ em sẽ không được như bây giờ”.

 

Những thế hệ học trò cứ đến rồi đi, thầy cô vẫn là những “người chở đò”, lặng lẽ đưa lớp lớp học sinh đến những bến bờ tri thức. Nhớ về những người thầy cũ trong một ngày đất trời chuyển mình sang đông, bất giác trong tôi một dòng suy tưởng: 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Namon>, sẽ có những khách qua sông trở lại thăm bến đò, thăm lại “người chở đò” ngày ấy!

Vũ Hường

 

 

 

  • Từ khóa