Thứ 5, 26/12/2024, 23:44[GMT+7]

Không còn nỗi lo thiếu phòng học bộ môn

Thứ 3, 28/09/2010 | 15:43:25
2,337 lượt xem
Dạy học theo phòng học bộ môn (PHBM) là giải pháp ưu việt để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nó không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn phát huy có hiệu quả các thiết bị dạy học, tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng hướng tới người học.

Cần khuyến khích dạy học theo phòng học bộ môn. Ảnh: Vũ Mạnh

Nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh đó đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo cần phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Giáo dục cần phải đổi mới, trong đó đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học phải được thực hiện đồng bộ với việc nâng cấp, đổi mới thiết bị dạy học. 

Dạy học theo phòng học bộ môn (PHBM) là giải pháp ưu việt để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nó không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn phát huy có hiệu quả các thiết bị dạy học, tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng hướng tới người học.

Vì vậy, dạy học theo PHBM là xu hướng tất yếu hiện nay, nhưng đây vẫn là vấn đề mới đối với tỉnh ta. Những năm trước, do hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nên các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh còn thiếu; chất lượng giáo dục thấp, lạc hậu; kiến thức học sinh học nặng về lý thuyết, khả năng vận dụng thực hành yếu; học sinh, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, kỹ thuật.

Đối với Thái Bình, từ những năm 2000, tỉnh đã đầu tư triển khải thí điểm xây dựng và dạy học theo PHBM tại 4 trường THCS (Minh Thành, Thành Phố; Quang Trung, Kiến Xương; Thị trấn Đông Hưng và Thị trấn Vũ Thư). Tuy nhiên mỗi trường quan niệm và thiết lập PHBM theo kiểu riêng của mình, chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Một số trường học khác, mặc dù được đầu tư các thiết bị dạy học có giá trị kinh tế rất lớn song chưa biết cách sử dụng.

Hầu hết, sau khi được nhận về đều cất xếp vào phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm trở thành “kho”, khi cần để dạy học, giáo viên đến mượn, mang lên lớp học sinh. Tình trạng này làm giáo viên mất thời gian, ngại thực hiện, học sinh thụ động nên phần lớn các thiết bị dạy học không được phát huy, gây lãng phí lớn.

Trước thực trạng đó và với mục đích giúp học sinh học tập tích cực, chủ động, từ bỏ thói quen học thụ động, ghi nhớ đơn thuần, năm 2009 được sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục - Đào tạo đã triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình phòng học bộ môn của trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tỉnh Thái Bình, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2009- 2020” do cử nhân sư phạm ngành vật lý Đặng Phương Bắc- Giám đốc Sở làm chủ nhiệm đề tài.

Nhiệm vụ chính của đề tài là: Đánh giá thực trạng cũng như việc quản lý, tổ chức thực hiện tại các PHBM ở trường THCS, THPT; xây dựng thành công 2 mô hình PHBM chuẩn tại trường THPT Vũ Tiên, (Vũ Thư), THCS Quang Trung, (Kiến Xương) và mô hình hướng chuẩn tại trường THCS Thanh Phú, (Vũ Thư); đề ra những giải pháp khả thi nhằm thống nhất trong toàn tỉnh về quy trình xây dựng PHBM của trường THCS, THPT, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2009- 2020; đề xuất với lãnh đạo các cấp, các ngành về cơ chế nhân sự quản lý PHBM.

Theo khảo sát của nhóm tác giả thực hiện đề tài, năm học 2009- 2010, toàn tỉnh có 273 trường với 3.559 phòng học THCS và 41 trường với 1.267 phòng học THPT, trong đó: PHBM khối THCS là 840, khối THPT là 192 bao gồm cả phòng học kiên cố, bán kiên cố và phòng tạm.

Số lượng PHBM trong nhà trường của tỉnh ta còn ít, thiếu và không bảo đảm các tiêu chuẩn quy định, chủ yếu đang ở trong trạng thái thử nghiệm; các trường đều dùng chung PHBM cho tất cả các môn học. Hiện nay, 100% các PHBM đều chưa đúng chuẩn theo quy định của Bộ.

Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đưa ra một số giải pháp, định hướng xây dựng và sử dụng PHBM trong trường THCS, THPT tỉnh Thái Bình: Cần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và  học sinh về vai trò của PHBM trong đổi mới giáo dục, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ, sự cần thiết phải có và phải sử dụng PHBM; ở những trường thừa phòng học sẽ cải tạo phòng học thành PHBM theo hướng chuẩn, những trường đã có PHBM sẽ cải tạo, tu sửa thành PHBM theo hướng chuẩn, nơi chưa đủ PHBM sẽ có hướng xây mới đạt chuẩn.

Sau một năm triển khai thực hiện đề tài”Nghiên cứu xây dựng mô hình phòng học bộ môn của trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tỉnh Thái Bình, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2009- 2020" đã thu được kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy- học trong trường THCS, THPT, đưa giáo dục và đào tạo Thái Bình phát triển bền vững hơn.

Đức Dũng

 

  • Từ khóa