Thứ 6, 13/12/2024, 22:41[GMT+7]

Đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài gắn liền với xã hội học tập

Thứ 4, 29/09/2010 | 10:49:46
3,971 lượt xem
Xây dựng xã hội học tập là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài nhằm hưng thịnh đất nước Cần được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc

Các đồng chí lãnh đạo trường KTKT Thái Bình chúc mừng Hội Khuyến Học tỉnh nhân ngày khuến học Việt Nam.

Do nhận thức sâu sắc vị trí, nhiệm vụ quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài trong quá trình hưng thịnh đất nước; Ngay từ năm 2000 ngày đầu thành lập hội, cấp ủy, chính quyền Thái Bình đã xác định: “Cần tập trung chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh phát triển nhanh mạnh và vững chắc, xây dựng phát triển tổ chức hội luôn luôn gắn liền với xây dựng xã hội học tập”.

 

Theo hướng đó, sau hai năm tiến hành phát triển hội, đã 100% số xã, phường, thị trấn, 70% số cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện trường học trên địa bàn tỉnh đều có hội khuyến học, 70% số thôn, làng, tổ dân phố, trường học, dòng họ trong từng xã đều tổ chức được các chi hội khuyến học và bước hoạt động sôi nổi, có hiệu quả.

 

Đến nay sau 10 năm toàn tỉnh đã có 683 hội khuyến học cơ sở 7060 chi hội và ban khuyến học. Tổng số hội viên 327.722 người bằng 18,4% dân số trong tỉnh. Trong đó có 7008 cán bộ các cấp chuyên trách hoặc bán chuyên trách.

 

Họ là những cán bộ có tín nhiệm, có tâm huyết, có trách nhiệm, có trí tuệ, có thời gian (gọi tắt là 5T) mặc dù chưa có một chút chế độ quyền lợi đãi ngộ nào mà vẫn say sưa đảm nhiệm mọi công việc của hội. Chính vì vậy mà hội Khuyến học các cấp phát triển nhanh, mạnh vững chắc và ngày càng phát huy được tác dụng.

 

Xuất phát từ mục tiêu “Cần gì học nấy” ngay từ những ngày đầu hội đã cùng với Ban Tuyên giáo và Sở giáo dục - đào tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở 100% xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần từng bước thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập (XHHT) ngay từ cơ sở.

 

Có được kết quả phát triển nhanh, mạnh, vững chắc các TTHTCĐ là nhờ có sự  quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh. Kết luận 04 KLTU ngày 1/4/2002 được xem như một nghị quyết được đi vào cuộc sống nhanh, mạnh chưa từng thấy ở Thái Bình.

 

Cũng từ kết luận 04 mà tỉnh hội Khuyến học đã tập trung nghiên cứu xây dựng một bộ chương trình gần 200 chuyên đề khoa học và tổ chức vận động những cán bộ tri thức đầu ngành có chuyên môn giỏi, trong toàn tỉnh, biên soạn tài liệu, in thành hai tập tài liệu trên 1000 trang để giúp giáo viên giảng dạy ở các TTHTCĐ với tinh thần “Tri thức Thái Bình đền ơn, đáp nghĩa nhân dân lao động trong tỉnh”.

 

Hội cũng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định cấp 10 triệu đồng cho 1 trung tâm HTCĐ liên tục trong nhiều năm nay để hoạt động. Có sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chi tiêu quyết toán, hàng năm của Liên ngành Tài chính và giáo dục đảm bảo cho trung tâm hoạt động đạt chất lượng hiệu quả, có tác dụng thiết thực, tránh mọi sự lãng phí hình thức.

 

TTHTCĐ đã được Bộ giáo dục - Đào tạo, Trung ương Hội khuyến học Việt Namon>, Ban Khoa giáo Trung ương về kiểm tra nhiều lần, và được  Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đơn vị dẫn đầu cả nước. Xin trích lời khẳng định của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi về kiểm tra: “Đây là một sự kiện thành công quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong việc xây dựng XHHT từ cơ sở, đã góp những kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển chung của cả nước”.

 

Đến nay các TTHTCĐ vẫn được giữ vững và từng bước được kiện toàn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn phát triển mới. Số lượng người lao động được học tập năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2009 và 5 tháng đầu năm 2010 các TTHTCĐ đã mở được 19.182 buổi học cho 2.335.277 lượt người được học nghề, học nhiều chuyên đề về khoa học kỹ thuật sản xuất, đời sống văn hóa sức khỏe, môi trường chính sách, pháp luật, bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ v.v...

 

Trong những năm gần đây Thái Bình có vinh dự liên tiếp được đón gần 50 tỉnh, thành trong cả nước về thăm, học tập và trao đổi kinh nghiệm.

 

Điều đáng phấn khởi là từ khi có Chỉ thị 11 của Bộ chính trị, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã tham mưu để ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri 05 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác khuyến học, Khuyến tài xây dựng XHHT”;

 

Quyết định 2964 của UBND tỉnh về “Thành lập ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh” và gần đây BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 34 “Tùng cường lãnh đạo chỉ đạo Đại hội khuyến học các cấp” thì nhiệm vụ khuyến học đã đến hầu hết các gia đình, dòng họ, thôn xóm, cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học và các lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đúng với tinh thần Chỉ thị 11 đã nêu: “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.

 

Sự quan tâm này được thể hiện ở cả ba cấp tỉnh, huyện, Thành phố, xã phường, thị trấn. Đến hết tháng 5/2010 đã có 250/286 xã phường, thị trấn có Ban chỉ đạo bằng 87,5%. 297/366 cơ quan đơn vị trực thuộc huyện, Thành phố có ban chỉ đạo bằng 81% các đơn  vị trực thuộc tỉnh đã có 204/219 thành lập ban chỉ đạo bằng 93,1%.

 

Các cơ quan đều tổ chức điều tra cơ bản trình độ, xây dựng chương  trình học tập từng năm, từng giai đoạn cho cơ quan, đơn vị mình. Mỗi cán bộ công chức cũng từ đó mà xây dựng được kế hoạch học tập cho mình. Đặc biệt là khuyến khích tự học, nâng cao trình độ mọi mặt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Phong trào xây dựng đơn vị học tập ở cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang ngày càng được chỉ đạo tập trung hơn, có chuyển biến tích cực làm động lực cho phong trào thi đua học tập.

 

Phong trào thi đua  xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, khu dân cư khuyến học phát triển mạnh mẽ, vững chắc cả về số lượng và chất lượng. Đến đại hội thi đua cuối năm 2009 đã có 202.923 số hộ đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, đã được bình chọn, công nhận và biểu dương 145.246 gia đình Hiếu học bằng 29,4% số hộ trong toàn tỉnh. Số dòng họ đăng ký dòng họ khuyến học là 3149, số được công nhận và biểu dương 2545 dòng họ bằng 74,4% số dòng họ đăng ký. Thực sự hai phong trào này cũng góp phần quan trọng, cơ bản vào việc hình thành xã hội học tập.

 

Hội khuyến học Thái Bình đã liên kết rộng rãi, chặt chẽ với mọi người, vận động, mọi tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn lực theo tinh thần xã hội hóa giáo dục, phát triển vững chắc sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đồng thời vận động xây dựng quỹ hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học, động viên khích lệ các nhà giáo vươn lên dạy giỏi.

 

Kể từ ngày thành lập, các cấp hội đã vận động những người có công đức hỗ trợ đầu tư, xây dựng sự nghiệp giáo dục  hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng tháng 9 khuyến học năm 2009 các cấp hội đã cấp 2993 xuất học bổng, khen thưởng 58.790 học sinh nghèo vượt khó và học giỏi các cấp với số tiền 2 tỷ 129 triệu đồng. Năm 2009 vận động ủng hộ quỹ các cấp hội 15,6 tỷ đồng sau khi chi số dư chuyển sang 2010 là 8,5 tỷ đồng.

 

Những hoạt động kể trên nói lên những thành tích to lớn, khẳng định một thế mạnh vững chắc của Khuyến học Thái Bình... còn biết bao mô hình, điển hình mà hội khuyến học tỉnh và các huyện Thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở cơ sở trong những năm qua, nhiều việc làm hay làm tốt, nhiều hình thức hoạt động phong phú và hiệu quả không thể nào nói hết được trong một thời gian ngắn. Tất cả những việc đã làm khẳng định rõ “tính chất đặc thù” của hội Khuyến học.

 

Xin được trích một đoạn... “Trong bài phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2009 đồng chí Bùi Tiến Dũng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định: “Hội khuyến học đã làm chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ chính trị, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tri 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sâu sắc, hiệu quả.

 

Duy trì phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, tập trung vào ba phong trào :gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”; ‘xây dựng đơn vị học tập cơ sở”. Đặc biệt năm qua hội đã tập trung phát triển cùng với sự chăm lo cho các phong trào trong các  cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đạt chất lượng cao hơn.

 

Hội đã kết hợp chặt chẽ với các ngành các cấp, các đoàn thể nhất là ngành GD - ĐT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND ghi nhận những đóng góp đó, nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu những thành  tích to lớn của hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã đạt được trong những năm qua”.

 

Có được những thành tích to lớn đó chính là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, cụ thể, thường xuyên của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ của các ngành, sự hưởng ứng  đồng tình, ủng hộ ngày càng cao của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

 

Song không thể không nói đến sự hình thành “Tổ chức hội khuyến học” và nhiệm vụ “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT” là một chủ trương trúng và đúng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của toàn dân. Đội ngũ hơn 7000 cán bộ khuyến học các cấp ở Thái Bình đã tận tụy trách nhiệm, năng động và sáng tạo trong tham mưu, trong vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp và tổ chức lực lượng quần chúng thực hiện.

 

Mừng vì Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình cũng như cả nước đã lớn mạnh và trưởng thành, góp nhiều công sức thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài xây Dựng xã hội học tập trong cả nước góp phần thực hiện đường lối chính sách, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 

Nhưng cũng thấy lo vì phong trào đã đến lúc xuất hiện quá nhiều mâu thuẫn, bất cập cần được giải quyết. Những mâu thuẫn đó chính là đòi hỏi của phong trào ngày càng lớn, đội ngũ cán bộ ít lại chưa hề có một chế độ phụ cấp tối thiểu nào, để họ yên tâm với những đóng góp của mình. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các cấp hội còn rất hạn hẹp, và đặc biệt là còn thiếu sự chuyển động một cách trách nhiệm, thực sự đồng thuận của cả một hệ thống chính trị.

 

Xây dựng XHHT là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài nhằm hưng thịnh đất nước; Cần được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc do vậy cần sự chuyển động thực sự mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị xã hội; và cũng rất cần có một đội ngũ cán bộ khuyến học, làm “tham mưu giỏi, dân vận khéo” giúp cấp ủy, chính quyền và liên kết, phối hợp, vận động toàn dân thành một mặt trận thống nhất, thực hiện thì nhiệm vụ xây dựng XHHT nhất định sẽ thành công.

Nguyễn thanh cầm

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh

 

  • Từ khóa