Thứ 2, 05/08/2024, 05:19[GMT+7]

Tủ sách phụ huynh Ươm mầm tri thức

Thứ 3, 14/01/2014 | 09:59:24
2,405 lượt xem
Ngày ngày, chúng ta vẫn thường xem trên các chương trình ti vi, đọc trên sách báo về những ngôi trường giàu nhất, hiện đại nhất Việt Nam. Nhưng đối lập với nó là những ngôi trường ở nông thôn còn phải học ở các phòng học tạm, học sinh không có đủ sách vở, quần áo ấm để đến trường. Nhờ những bàn tay, khối óc, lòng nhiệt tình, niềm đam mê với nghề, nguồn tri thức được “ươm mầm”, xuân này qua xuân khác luôn đâm chồi nảy lộc.

Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) hân hoan trong niềm vui có tủ sách phụ huynh mới.

Tủ sách phụ huynh từ những ngày còn “thai nghén”

Những năm gần đây, ai cũng biết đến Thái Bình như một tỉnh đầu tiên có phong trào “sách hóa nông thôn” phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, huy động được sức mạnh cộng đồng xây dựng được hệ thống những tủ sách ngay tại thôn, làng. Nhưng không phải ai cũng biết những người đã dành cả tâm huyết của mình từ ngày phong trào còn trong thai nghén.

Anh Nguyễn Quang Thạch, quê ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên nhận được sự quan tâm của nhiều tờ báo nổi tiếng bởi anh chính là người giúp cho mô hình tủ sách phụ huynh (TSPH) được “chào đời”. Anh Thạch đã đặt niềm tin để Thái Bình là nơi ra đời của mô hình này. Ngoài anh Nguyễn Quang Thạch còn có thầy Uông Minh Thành, Phó hiệu trưởng và cô Dương Lệ Nga, giáo viên, Tổng phụ trách Trường THCS An Dục (Quỳnh Phụ) với tất cả sự rung động của con tim trước tài năng, cốt cách của những con người luôn “ươm mầm tri thức”, mang cái chữ đến với người nghèo trên chính vùng đất quê hương mình.

Chúng tôi về Trường THCS An Dục trong một buổi sáng mùa đông rét lạnh. Nhìn học sinh của trường đang say sưa đọc những cuốn sách, những tờ báo trong giờ ra chơi khiến lòng tôi lại rạo rực lên một nỗi niềm khó tả. Ðược biết đến như hai người bạn, người đồng nghiệp luôn đồng hành cùng anh Nguyễn Quang Thạch ngay từ những ngày đầu đặt nền móng cho mô hình TSPH ở Thái Bình, thầy Uông Minh Thành và cô Dương Lệ Nga đã thành lập nhóm hành động “Sách hóa nông thôn” để nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác.

Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) cùng nhau đọc truyện từ tủ sách phụ huynh.

Năm 2008, sau khi thấy mô hình TSPH chưa thể hình thành trên mảnh đất Hà Tĩnh, anh Thạch một mình lặn lội quãng đường hàng trăm cây số để mang TSPH về với con em xã An Dục. Thầy Thành cho biết: “Lúc đó có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có một số ý kiến chưa thuận tình. Ðể nhận được sự đồng tâm của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cùng hội phụ huynh học sinh, tôi và cô Nga luôn trăn trở làm sao để thuyết phục họ, hơn hết là thuyết phục phụ huynh học sinh bởi nguồn quỹ chính để xây dựng nên TSPH chính là từ cha mẹ của các em”. Với suy nghĩ “sách là nguồn tri thức vô giá”, anh Nguyễn Quang Thạch, thầy Uông Minh Thành và cô Dương Lệ Nga đã đề nghị Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường đồng ý thí điểm mô hình TSPH tại lớp 6A2, Trường THCS An Dục.

Chặng đường phát triển

Nhận thấy được hiệu quả to lớn từ mô hình TSPH, đầu năm học 2010 - 2011, trong buổi họp hội đồng trước thềm năm học mới, thầy Uông Minh Thành, cô Dương Lệ Nga cùng các thầy trong Ban Giám hiệu nhà trường đề ra những phương án để thuyết phục phụ huynh học sinh trong việc nhân rộng TSPH đến từng lớp học. Thật bất ngờ, tất cả các bậc phụ huynh đều đồng ý và nhiệt tình ủng hộ. Ðiều đó làm tôi cảm nhận thấy rằng vẫn còn đó những người dân nông thôn biết trân trọng giá trị của sách. Thầy Thành và cô Nga là những người trực tiếp hướng dẫn tỉ mỉ cho các em học sinh từ cách đọc, cách giữ gìn sách đồng thời giao việc quản lý TSPH cho chính cán bộ các lớp quản lý.

Sau 3 tháng thí điểm, việc đọc sách không chỉ thực hiện tốt ở lớp 6A2 mà nó như một làn sóng lan rộng trong học sinh toàn trường. Ðến nay, TSPH đã phủ kín 9 lớp học của Trường THCS An Dục với gần 2.500 đầu sách, bao gồm các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách dạy kỹ năng sống, báo, truyện… Thầy Thành cho biết: “Ðể biết được TSPH có thật sự hiệu quả hay không thì phải sau 3 năm, chúng ta mới đánh giá được. Sự thật là sau 3 năm tồn tại và phát triển, mô hình TSPH đã phát triển cả về chất và lượng, học sinh đã tiến bộ hơn trong học tập cũng như các hoạt động ngoại khóa”.

Bằng nhiều phương pháp kiểm chứng khoa học, hàng tuần, cô Dương Lệ Nga đã cùng nhà trường tổng kết, thống kê ra những học sinh chăm đọc nhất, đến tiết chào cờ ngày thứ 2 tuần kế tiếp sẽ chọn 5 học sinh bất kỳ trong số những em đó để kiểm tra. Cô Nga có thể hỏi về một câu chuyện, một nhân vật và em học sinh đó phải kể được những tình huống, cốt truyện xoay quanh nhân vật đó. Thông qua những câu chuyện như vậy, các em học sinh đã tự rút ra được bài học cho bản thân, đấy mới chính là ý nghĩa của việc đọc sách.

Thầy Uông Minh Thành cho biết thêm: “Những năm trở lại đây, tôi thấy học sinh nhà trường năng động hơn rất nhiều, các em đã tự chủ động trong các hoạt động ngoại khóa, giáo viên giữ vai trò như một người quan sát hành động của các em. Vào những dịp lễ, tết, học sinh ở đây đã tự đứng ra tổ chức những chương trình văn nghệ, đặc biệt các em đã biết “sân khấu hóa” những câu chuyện mà các em được đọc từ những cuốn sách trong TSPH”. Thông qua sổ theo dõi mượn trả sách của các tủ sách cho thấy trong năm học qua đã có hàng nghìn lượt học sinh đọc với hàng nghìn lượt sách luân chuyển.

Và khi được nhân rộng

Ngay từ khi mô hình TSPH được thí điểm tại Trường THCS An Dục, nhóm hành động “Sách hóa nông thôn” được thành lập bao gồm 7 thành viên trong đó có thầy Uông Minh Thành và cô Dương Lệ Nga là những thành viên hoạt động năng nổ nhất. Chia sẻ với chúng tôi về việc nhân rộng TSPH, anh Nguyễn Quang Thạch cho biết: “Trường THCS Quỳnh Hồng là trường thứ hai thực hiện mô hình TSPH.

 

Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) với những cuốn sách hay trong tủ sách phụ huynh.

Ngày 14/1/2012, tôi đã bàn giao sách cho 14 TSPH của trường THCS Quỳnh Hồng. Tôi rất vui vì đây là ngôi trường thứ hai có chuỗi tủ sách lớp học với hơn 1.000 đầu sách. Toàn trường có 18 tủ sách. 4 tủ sách đầu tiên tôi đã thay mặt nhóm hành động “Sách hóa nông thôn” tặng 1 triệu đồng tiền sách/1 tủ”. Ðến nay, 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đều có TSPH. Ðây là kết quả của sự cố gắng bền bỉ không chỉ của cá nhân nào mà của cả một tập thể đã chung tay để “sách hóa nông thôn”.

Không chỉ trong phạm vi huyện Quỳnh Phụ, mô hình TSPH còn được nhân rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh, điển hình như Thái Thụy. Trong vòng hơn một tháng (từ tháng 4/2013 đến tháng 5/2013) 100% các trường ở Thái Thụy đều có TSPH; toàn huyện đã có trên 30.000 cuốn sách do các em đóng góp, trị giá trên 350 triệu đồng. Tất cả cán bộ, giáo viên đều trích tiền lương mỗi người từ 30.000 - 50.000 đồng, cao nhất tới 500.000 - 700.000 đồng ủng hộ TSPH. Anh Thạch và nhóm hành động “Sách hóa nông thôn” đã ủng hộ 83 tủ sách với gần 3.000 cuốn sách tham khảo và truyện.

Đặng Anh

  • Từ khóa