Thứ 6, 02/08/2024, 21:27[GMT+7]

Hiệu quả từ những giờ sinh hoạt lớp

Thứ 4, 22/01/2014 | 08:59:20
12,961 lượt xem
Trước đây, cứ đến tiết sinh hoạt lớp, hầu hết học sinh đều tỏ ra “ngao ngán” bởi giáo viên thường chỉ nhận xét về tình hình lớp không ổn định, vi phạm nội quy, không học bài, điểm kém… Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục trong những giờ sinh hoạt lớp, có rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã áp dụng việc tích hợp các nội dung, chuyên đề mang tính thời sự, phù hợp với lứa tuổi học sinh trong giờ sinh hoạt lớp.

Giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học Hồng Tiến (Kiến Xương).

Ý nghĩa từ những giờ sinh hoạt lớp
Em Phạm Thị Hòa (học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà, Hưng Hà) chia sẻ: “Từ ngày vào cấp III, em rất trân trọng những giờ sinh hoạt lớp. Ngoài việc nhận xét tình hình lớp trong tuần vừa qua, cô giáo chủ nhiệm luôn đưa đến cho tập thể lớp những chủ đề phù hợp với lứa tuổi để chúng em cùng nhau thảo luận. Thông qua những tiết học như thế, em thấy hiểu các bạn nhiều hơn và kính mến cô giáo nhiều hơn”.

Không chỉ em Hòa, chúng tôi ghi nhận được lời chia sẻ này từ nhiều học sinh ở các trường khác nhau. Giờ đây, giờ sinh hoạt lớp giống như một giờ tự học của học sinh, người giáo viên đóng vai trò như một người “khán giả”, lắng nghe những chia sẻ, mong muốn, tâm tư, tình cảm của học sinh để từ đó có thể nắm bắt được tâm lý các em dễ hơn. Những chủ đề như: giáo dục đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục về chủ quyền biển, đảo trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những chủ đề hay và mang ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng và giữ vững chủ quyền nước nhà. Là thế hệ tương lai của đất nước, các em cần được giáo dục hơn nữa về những vấn đề này, từ đó, hình thành những nhận thức đúng đắn về tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị của quốc gia.

Không những thế, qua những giờ sinh hoạt lớp, có nhiều câu chuyện người tốt - việc tốt được giáo viên chia sẻ đến học sinh. Gần đây nhất, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, có một em học sinh lớp 6 nhặt được 30 triệu đồng trả lại người mất. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa của nó thì to lớn. Có rất nhiều giáo viên ở các trường tiểu học hay THCS đã chia sẻ ngay thông tin này đến các em học sinh để từ đó giáo dục cho các em nhân cách sống, đạo lý làm người.

Cô Lê Thị Dung (giáo viên một trường tiểu học ở Thành phố Thái Bình) chia sẻ: “Ngoài việc đánh giá tình hình của lớp trong tuần vừa qua, chúng tôi tận dụng tất cả thời gian của tiết sinh hoạt giới thiệu đến các em những gương người tốt - việc tốt điển hình, từ đó hình thành trong tư duy của trẻ những nhận thức đúng đắn, hướng các em đến cái thiện ngay từ khi các em còn nhỏ”. Đây cũng là dịp để học sinh làm quen với nhiều loại hình hoạt động khác nhau, giúp các em phát triển các kỹ năng cơ bản và cần thiết cho bản thân. Các em phải được vừa học vừa chơi, thi tài với nhau, từ đây các em sẽ lĩnh hội được rất nhiều kiến thức, góp phần phát triển nhân cách toàn diện của học sinh, tức là phát triển mọi mặt cả trí tuệ, tình cảm, đạo đức, thẩm mĩ và sức khỏe, thể chất...

Giải pháp tăng cường hiệu quả của giờ sinh hoạt lớp
Tại các trường học trong tỉnh, không phải lớp học nào cũng phát huy tốt hiệu quả của giờ sinh hoạt lớp, nhất là tại các trường ở khu vực xa trung tâm. Một số giáo viên còn tận dụng thời gian sinh hoạt lớp để dạy học sinh kiến thức về các môn văn hóa khiến ý nghĩa của giờ sinh hoạt lớp bị phai mờ. Học sinh không được cùng nhau tổ chức, tham gia vào giờ sinh hoạt lớp; nội dung giờ sinh hoạt lớp khô cứng, lặp đi lặp lại, không thực sự gắn với nhu cầu của học sinh; các em không cảm nhận được vấn đề trong chủ đề là vấn đề của chính các em phải giải quyết mà là vấn đề của thầy, cô; hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp đơn điệu, nhàm chán, không tạo hứng thú cho học sinh; giáo viên quá nghiêm khắc, không gần gũi, thân thiện, không đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em là những nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh không thích giờ sinh hoạt lớp.

Để có các giờ sinh hoạt lớp hiệu quả thì quan trọng nhất là người giáo viên chủ nhiệm cần linh động, sáng tạo tìm những giải pháp phù hợp với yêu cầu giáo dục. Giáo viên phải tạo được hứng thú cho học sinh, không làm cho giờ sinh hoạt bị căng thẳng hoặc nhàm chán, biết lôi cuốn học sinh vào những hoạt động tích cực trong giờ sinh hoạt lớp.

Bên cạnh việc giáo dục về đạo đức, lối sống, các nhà trường nên tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích để các em có thể “học mà chơi, chơi mà học” như thi rung chuông vàng, văn nghệ, đố vui… Những hoạt động này sẽ giúp các em giải tỏa những căng thẳng trong quá trình học tập, là sợi dây gắn kết tình cảm của lứa tuổi học trò. Các thầy giáo, cô giáo nên dành thời gian cho học sinh tự nhận nhiệm vụ và có trách nhiệm với công việc của mình. Cùng với đó, các thầy, cô nên tham gia vào các hoạt động tập thể của học sinh để thầy trò hiểu nhau hơn. Sinh hoạt lớp là khoảng thời gian quý giá để cho các em đọc những câu chuyện hay, có ý nghĩa trên sách, báo phù hợp với lứa tuổi học trò…

Phát huy hiệu quả của giờ sinh hoạt lớp là vấn đề luôn được những thầy giáo, cô giáo làm công tác chủ nhiệm trăn trở và đưa ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ. Hy vọng sẽ có nhiều phương pháp mới, chủ đề thiết thực sớm được đưa tới những giờ sinh hoạt lớp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện tại các trường học.

Đặng Anh

 

  • Từ khóa