Thứ 5, 22/05/2025, 17:29[GMT+7]

Người thầy của “lớp học chắn sóng”

Thứ 7, 01/02/2014 | 08:13:23
1,895 lượt xem
Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh những năm qua có biết bao tấm gương nhà giáo lặng thầm cống hiến tuổi trẻ, niềm đam mê cho sự nghiệp “trồng người”. Thầy giáo Ðào Ngọc Thể (Trường Tiểu học Hồng Tiến, Kiến Xương) là thầy giáo của một lớp học đặc biệt với những học sinh đặc biệt ở một vùng đất cách nhà hơn 35 km.

Thầy giáo Ðào Ngọc Thể, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Tiến (Kiến Xương) trong giờ lên lớp.

Ðầu năm 2013, ở làng chài Cao Bình, thêm một “lớp học chắn sóng” được khai giảng với sự tham gia 30 học viên, chủ yếu là bà con ngư dân làng chài Cao Bình và một số ngư dân của huyện Tiền Hải do thầy Ðào Ngọc Thể, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Tiến trực tiếp giảng dạy. Gọi họ là những học sinh đặc biệt vì phần lớn trong số họ đã nhiều tuổi, khác hẳn với những em học sinh lớp 1, lớp 2 của thầy Thể khi giảng dạy ở trường. Ở một lớp học như thế, với những học sinh như thế, giáo viên cũng trở thành người thầy đặc biệt.

Khi được hỏi nguyên nhân nào để quyết tâm đi đến một nơi cách nhà 35 km để dạy học, thầy Ðào Ngọc Thể chia sẻ: “Là giáo viên, tôi luôn mong muốn được đóng góp một chút sức lực nhỏ bé cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giúp bà con ngư dân nơi đây biết đọc, biết viết”. Những ngày đầu xuống làng chài Cao Bình, thầy Thể cùng các cán bộ Ðồn Biên phòng Cửa Lân đã lên từng thuyền của bà con ngư dân để nói rõ về mục đích của lớp học, vận động, thuyết phục từng người đi học, giúp bà con hiểu rằng sau khi tham gia lớp học bà con sẽ biết chữ, biết viết, không phải dùng tay điểm chỉ vào các văn bản giấy tờ mà sẽ dùng chữ ký thật, ngoài ra bà con còn có thể giao dịch với thương nhân trong và ngoài nước…

Ðây là công việc không hề đơn giản bởi không phải lúc nào bà con ngư dân cũng ở “nhà”, họ thường xuyên đi đánh bắt hải sản ở những nơi xa xôi. Ðể tăng thêm tình cảm với bà con, thầy Thể thường xuyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn cùng họ. Thậm chí, thầy còn trực tiếp tham gia lao động, những công việc rất đỗi bình thường của người làm nghề ngư nghiệp như cào ngao, làm sứa… Qua đó, thầy Thể tích góp cho mình những kinh nghiệm nho nhỏ nhưng sẽ trở thành “nguồn vốn” quý giá của một người thầy khi tiếp xúc với bà con ngư dân. “Ði một ngày đàng, học một sàng khôn”, tất cả những gì mà thầy Thể học được sẽ là hành trang theo thầy ở “lớp học chắn sóng”.

Phòng học của “lớp học chắn sóng” được trang bị đầy đủ những phương tiện, đồ dùng dạy và học cần thiết; vở và bút được Trường Tiểu học Hồng Tiến cung cấp. Cô Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ cần thầy Thể báo cáo  thiếu những gì thì nhà trường sẽ cử người trực tiếp mang xuống”. Sau cơn bão Sơn Tinh năm 2012, phòng học bị tổn thất nặng nề, các thầy giáo, cô giáo Trường Tiểu học Hồng Tiến đã kịp thời vận chuyển bàn, ghế, bảng và cả những miếng cót ép để dựng lại. Thời gian học cũng không thể cố định, có tuần học thứ 7, chủ nhật, nghỉ thứ 2, thứ 3 vì phụ thuộc vào thời gian đi biển của bà con ngư dân.

Chính vì vậy, trong 4 tháng giảng dạy tại đây, thầy Thể không thể thường xuyên về nhà mà cùng sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cửa Lân. Thầy Thể kể: “8 giờ sáng, bà con đi biển về, nấu cơm, ăn cơm sau đó khoảng 10 giờ, tôi sẽ dạy 1 tiếng. Từ 1 giờ đến 2 giờ chiều, bà con lại chuẩn bị cho chuyến ra biển vào đêm hôm đó, tôi sẽ dạy từ 2 giờ chiều đến 4 giờ hoặc 5 giờ chiều”. Những hôm mưa rét, bà con ngại lên bờ, thầy Thể đã xuống từng thuyền để dạy bà con học. Sau những buổi học như thế, họ thường mời thầy ở lại ăn bữa cơm đạm bạc và sinh hoạt cùng gia đình.

Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ “lớp học chắn sóng” được mở ra chỉ đơn thuần là để xóa mù chữ cho bà con ngư dân làng chài Cao Bình. Thế nhưng sau những tâm sự rất  chân thành của thầy Thể tôi mới nhận ra rằng thầy không chỉ dạy chữ, dạy phép toán mà còn dạy bà con về tình người, về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Cái khó của thầy Thể chính là việc soạn giáo án sao cho phù hợp với tất cả học sinh bởi trong lớp có người không biết chữ, một số người đã biết được vài ba chữ, có nhiều người lớn tuổi nhưng cũng có một số là thanh niên. Chỉ riêng việc dạy bà con phát âm phụ âm “qu”, có những hôm thầy Thể phải dành cả buổi nhưng học xong chẳng bao lâu có người đã quên.

 Khi được hỏi về “hậu phương” của mình, thầy Thể không giấu được niềm hạnh phúc pha lẫn sự tự hào: “Vợ tôi là một người phụ nữ biết cảm thông, chia sẻ với công việc của chồng. 4 tháng tôi đi dạy ở dưới đó cũng là thời gian mà cô ấy phải gánh vác mọi việc trong gia đình. Nhưng không vì thế mà vợ tôi ngăn cản, ngược lại cô ấy luôn tiếp cho tôi những ngọn lửa nhiệt huyết”.

Sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình năm 2006, công tác trên chính quê hương Kiến Xương - thầy Ðào Ngọc Thể là một trong bao người đã và đang lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Con thuyền, cuộc sống, tương lai của bà con ngư dân sẽ bớt chông chênh hơn, mùa xuân sẽ ấm áp, tươi đẹp hơn từ những con người, những việc làm như thế!

Đặng Anh

  • Từ khóa