Thứ 3, 30/07/2024, 11:25[GMT+7]

Bảng vàng thành tích từ nghị lực vượt khó

Thứ 4, 19/02/2014 | 09:50:13
1,845 lượt xem
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2014, tỉnh Thái Bình có 60 học sinh đạt giải. Khâm phục tài năng và trí tuệ của các em nhưng sự cảm phục dành tặng riêng cho những học sinh sống trong hoàn cảnh khó khăn vẫn giàu nghị lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.

Quỳnh Chi, Diệu Linh, Hà Trang (Từ trái qua phải)

Lạc quan, yêu đời và ham học hỏi là những điều dễ nhận thấy nhất ở 3 cô học trò Trường THPT Chuyên Thái Bình: Mai Quỳnh Chi, Phạm Diệu Linh (học sinh lớp 12 Văn) và Nguyễn Thái Hà Trang (học sinh lớp 12 Anh). Các em đã tự vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, thấu hiểu tình yêu thương của gia đình, thầy cô, bạn bè, sớm ý thức được việc học tập cho bản thân để vươn lên học giỏi, đạt được thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014.

Quỳnh Chi: “Ðến với Văn học như một sự ngẫu nhiên”

Vào một buổi tối mưa lạnh, tôi tìm đến nhà Mai Quỳnh Chi cũng là lúc mẹ em đang tất bật với công việc phụ bán hàng từ tối đến tận đêm khuya tại nhà một người hàng xóm. Qua tìm hiểu, tôi được biết bố Chi đang làm ngoài Quảng Ninh với công việc lái xe thuê, thu nhập bấp bênh nên số tiền mà bố em gửi về cho gia đình cũng không đáng là bao. Chính vì vậy, em đã quen với cuộc sống một mình kể từ khi bố em bắt đầu đi làm xa, mọi công việc ở nhà đều do mẹ gánh vác. Chi chia sẻ: “Những lúc ốm đau em tự mua thuốc và uống thuốc. Em không muốn mẹ biết bởi sẽ làm mẹ phải lo lắng”.

Nhờ đó, Chi đã sớm hình thành ý thức tự lập ngay từ nhỏ, rèn cho mình một “tinh thần thép” để chống chọi với mọi hoàn cảnh. Cô học trò với vóc dáng mảnh mai đã vượt qua những khó khăn để chinh phục đỉnh cao tri thức khi giành giải Nhì môn Văn học kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014.

Chi tâm sự: “Em đến với môn Văn như một sự ngẫu nhiên mà trước đó em không nghĩ mình sẽ gắn bó với môn học này. Những cuốn truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu khiến em mê mẩn và tình yêu văn học xuất phát từ đó”. Mai Quỳnh Chi nghiệm ra rằng: phải thật sự đam mê, biết trau dồi và rèn luyện thì mới có thể chinh phục được tri thức.

Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Chi cho biết: “Cũng giống như các bạn khác, trên lớp em tập trung nghe cô giáo giảng bài, có chỗ nào không hiểu thì em hỏi bạn bè và thầy cô. Về nhà em đọc các cuốn sách về lý luận văn học và luyện viết nhiều hơn”. Văn không phải là dông dài với những ngôn từ quá trau chuốt mà là khi đặt bút viết, người viết phải xác định mình viết cái gì, viết như thế nào, viết cái nào trước, cái nào sau.

Thành công với Mai Quỳnh Chi ngày hôm nay là tiền đề để em vươn tới ước mơ trở thành một luật sư mang công bằng đến với mọi người trong xã hội.

Diệu Linh: “Bố là điểm tựa tinh thần”

“Một cô bé giàu nghị lực, đầy quyết tâm, luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống” là lời nhận xét của nhiều người về em Phạm Diệu Linh, học sinh đạt giải Nhì môn Văn học kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2014. Khác với Chi, Linh sống với bà ngoại và em nhỏ ở tổ 39, phường Kỳ Bá (Thành phố Thái Bình) từ năm lớp 7 khi em bắt đầu chuyển từ Thái Nguyên về Thái Bình sinh sống và học tập. Do bà nội Linh bị liệt nửa người, phải nằm một chỗ nên bố em phải thường xuyên ở bên và chăm sóc cho bà. Còn mẹ em đang lao động tự do tại Hà Nội.

Những lúc buồn, em thường tâm sự với bố và được bố động viên, an ủi nên chính bố đã trở thành điểm tựa tinh thần của em. Hàng ngày, những lúc không đi học Chi thường làm thay công việc của một người mẹ để chăm sóc cho đứa em vẫn còn nhỏ, đi chợ nấu cơm những lúc bà ốm đau. Cuộc sống của 3 bà cháu trông chờ vào 640.000 đồng tiền lương hưởng từ chế độ tử tuất sau khi ông ngoại em mất và một ít tiền do mẹ gửi về.

Do đó, thi thoảng gia đình em vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ từ những người thân trong họ hàng, thậm chí cả những người hàng xóm. Nhiều khi nhìn các bạn có bố mẹ quan tâm, chăm sóc, Linh cũng thấy chạnh lòng nhưng không vì thế mà em lùi bước.

Niềm vui như vỡ òa đối với gia đình khi biết tin Linh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014. Linh chia sẻ: “Em thường xuyên luyện viết chứ không chú trọng vào học thuộc. Cùng với kiến thức cô giáo truyền đạt, em nghĩ viết nhiều sẽ giúp em trưởng thành hơn trong tư duy”. Ðến với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kiến thức đương nhiên luôn được em đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, hành trang của em khi bước vào những cuộc đấu trí còn có một thứ không thể thiếu, đó là sự tự tin. Khi được hỏi ước mơ của Linh sau này, em cho biết: “Em muốn trở thành sinh viên của Học viện An ninh bởi ra trường em và gia đình giảm bớt phần nào nỗi lo về vấn đề việc làm”.

“Hà Trang! Bố tin con!”

Tôi khá ấn tượng với em Nguyễn Thái Hà Trang, học sinh đạt giải Ba môn Tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014. Khi vừa mới 8 tháng tuổi, Trang đã phải rời xa vòng tay hơi ấm của cha, mẹ sống cùng với bà nội. Càng lớn, em càng nhận thức được những khó khăn, thiếu thốn mà 2 bà cháu hàng ngày phải gánh chịu. Chỉ với hơn 1 triệu đồng tiền lương của bà thì không thể trang trải được cuộc sống hàng ngày, em phải nhờ đến sự giúp đỡ của người cô ruột mà em gọi là “mẹ”. Trang chia sẻ: “Gia đình “mẹ” em cũng thuộc diện hộ nghèo. Chồng của “mẹ” sức khỏe yếu nên không làm được công việc nặng nhọc.

Vì vậy, gần như một mình “mẹ” phải gánh vác công việc của hai bên gia đình”. Trang tâm sự: “Có một buổi tối em đã buồn và khóc rất nhiều. Em tâm sự với bố và bố đã gửi cho em 1 tin nhắn duy nhất: “Bố tin con!”. Chính 3 chữ này đã tiếp thêm cho em động lực để em có được thành công như ngày hôm nay”. Nhiều người khi gặp khó khăn thường dễ nản lòng, buông xuôi đầu hàng số phận, nhưng cô bé Nguyễn Thái Hà Trang đã tự mình vượt qua những khó khăn bằng nghị lực đáng khâm phục.

Trang tâm sự rằng: “Những ngày đầu năm lớp 10, em rất ngỡ ngàng bởi các bạn cùng lớp quá giỏi. Thật may mắn vì cô Nguyễn Hồng Hưng, giáo viên chủ nhiệm đội tuyển đã kịp thời động viên, giúp đỡ em để em tiếp tục bước tiếp trên con đường mình đã chọn”. Những lúc căng thẳng, em thường đọc sách, báo, xem phim, nghe nhạc... bằng tiếng Anh, không cho phép mình nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào.

Nguyễn Thái Hà Trang mong muốn: “Sau này, em có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình mình và những gia đình có hoàn cảnh tương tự. Quan trọng hơn, chắc chắn em sẽ làm từ thiện, em muốn giúp đỡ những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi để giúp chúng vơi bớt đi nỗi buồn mà lẽ ra chúng không phải chịu”.

Hiện nay, có nhiều học sinh được sống trong những điều kiện đầy đủ, song không phải em nào cũng phát huy được các điều kiện đó để vươn lên trong học tập. Thậm chí, một số học sinh còn ham chơi, mắc tệ nạn xã hội. Những học sinh như Quỳnh Chi, Diệu Linh, Hà Trang dù sống trong những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhưng đã luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên. Tinh thần và nghị lực của các em thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh học tập và noi theo.

Ðặng Anh

 

  • Từ khóa