Thứ 7, 12/10/2024, 13:11[GMT+7]

Kết quả bước đầu trong áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại các trường THCS ở Kiến Xương

Thứ 5, 20/03/2014 | 11:04:29
2,095 lượt xem
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 về đổi mới phương pháp dạy học, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Kiến Xương đã triển khai áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) đối với các môn khoa học tự nhiên ở tất cả các trường THCS. Kết quả bước đầu đã phát huy tính sáng tạo của giáo viên và học sinh góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Thầy và trò Trường THCS Trà Giang, huyện Kiến Xương áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong tiết Sinh học lớp 6.

Cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác, phương pháp BTNB lấy học sinh là trung tâm trong giảng dạy. Ông Nguyễn Anh Minh, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Kiến Xương cho biết: “Hiện nay, tất cả các trường THCS trong huyện đều triển khai áp dụng phương pháp BTNB, khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên về thời gian chuẩn bị bài dạy, hỗ trợ kinh phí làm thiết bị dạy học...”. Từ việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch kiểm tra phù hợp với tiến trình thực hiện phương pháp BTNB. Bên cạnh đó, các trường, cụm trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thông qua việc dự giờ để rút kinh nghiệm, hoàn thiện các chủ đề, tiến trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học. 

Toàn huyện Kiến Xương hiện có 37 trường THCS với 100% giáo viên đạt chuẩn và 93,2% giáo viên có trình độ trên chuẩn, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được công tác giảng dạy của các trường. Ðó là điều kiện thuận lợi để áp dụng và nhân rộng phương pháp BTNB. Mặc dù mới qua hơn một học kỳ và chỉ áp dụng vào những bài học mang tính thực hành nhưng phương pháp BTNB đã và đang tạo nên hiệu ứng tích cực trong các trường học ở Kiến Xương, giúp giáo viên rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống và nâng cao nghiệp vụ sư phạm, giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức, tiếp thu nội dung bài học nhanh và hứng thú hơn với tiết học. Bên cạnh đó, phương pháp còn giúp học sinh nâng cao khả năng phán đoán, lập luận, bảo vệ ý kiến, phát huy tính sáng tạo trong quá trình học tập.

Ðể phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp BTNB, một trong những yếu tố quan trọng nhất là đáp ứng đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có một số ít trường thực hiện được điều này. Ở các lớp học, bàn ghế được bố trí theo dãy, không thuận lợi để tổ chức hoạt động theo nhóm. Phần lớn giáo viên chưa thể tiếp cận với phương pháp mới, một số giáo viên còn hạn chế trong việc sử dụng các thiết bị hiện đại, chưa linh hoạt trong việc xử lý những tình huống bất ngờ nên chưa phát huy được hết khả năng của mình. Với thời lượng 45 phút/tiết cùng với số học sinh đông (bình quân khoảng 35 học sinh đến 40 học sinh/lớp) khiến cho việc tổ chức và hoạt động nhóm cũng gặp nhiều khó khăn. Một số giáo viên cho rằng muốn thực hiện phương pháp này thì đối tượng phải là những học sinh có nền tảng kiến thức vững, năng động và say mê nghiên cứu, tìm hiểu.

Năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Kiến Xương sẽ tiếp tục phát huy tối đa những ưu điểm của phương pháp BTNB và áp dụng vào từng tiết học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ðể thực hiện được mục tiêu này, toàn ngành sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy và học. Cùng với đó, sẽ tận dụng tối đa các tiết thực hành của các môn tự nhiên để áp dụng phương pháp BTNB hiệu quả nhất. Khuyến khích giáo viên tích cực trau dồi kiến thức, đặc biệt là các kiến thức về công nghệ thông tin để nâng cao trình độ, chủ động trong phương pháp giảng dạy này. Năm học 2014-2015, huyện Kiến Xương phấn đấu sẽ triển khai áp dụng đồng bộ phương pháp BTNB trong tất cả các trường học trên địa bàn huyện.

Đặng Anh

  • Từ khóa