Thứ 3, 30/07/2024, 05:28[GMT+7]

Học Văn

Thứ 2, 28/04/2014 | 09:42:56
1,042 lượt xem
Để giờ Văn không còn là những tiết học “buồn ngủ” với học sinh, có lẽ mỗi thầy cô giáo dạy Văn nên có những phương pháp dạy phát huy được sự sáng tạo của người học, tránh sự áp đặt trong cách cảm nhận tác phẩm và trên hết phải là một tấm gương về đạo đức để mỗi học sinh noi theo.

Cũng giống như Toán, ở bậc học phổ thông nào trong nền giáo dục nước ta, Văn luôn là môn học được coi là “môn chính”, là một trong hai môn bắt buộc phải thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp. Thời lượng học môn Văn khá lớn nhưng ý nghĩa của môn học này không phải học sinh nào khi ngồi trên ghế nhà trường cũng nhận ra.

Khi còn là một cô học trò cấp 3, mặc dù có năng khiếu học Văn, luôn là học sinh dẫn đầu lớp về điểm tổng kết môn học này nhưng trong tôi luôn âm thầm một câu hỏi: “Học Toán để biết tính toán còn học Văn để làm gì nếu mình không đỗ vào trường sư phạm và trở thành cô giáo dạy Văn?”.

Trong nhận thức của  chúng tôi ngày ấy, học Văn là để thi vào khoa Văn học Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn sau này làm nhà nghiên cứu văn học. Học Văn là để thi đại học, thi tốt nghiệp. Chuyện học Văn với chúng tôi đơn giản là thuộc thơ, tóm tắt được cốt truyện, hiểu được nội dung, nghệ thuật của tác phẩm để khi làm bài kiểm tra, thi cử có thứ mà “chém” và sau thi... có thể quên cho “nhẹ đầu”.

Mãi đến sau này, khi đi học đại học rồi đi làm ở những thành phố xa lạ, sống cuộc sống tự lập, với cái nhìn của người lớn, tôi mới nhận ra được ý nghĩa của việc học Văn. Tự bao giờ, những truyện ngắn có giá trị nhân văn sâu sắc, những bài thơ chứa chan cảm xúc trong sách giáo khoa đã thẩm thấu vào tâm hồn, làm phong phú  đời sống nội tâm, góp phần giáo dục nhân cách mỗi người.

Học Văn giúp ta có cái nhìn đa chiều về cuộc sống, để cảm nhận những vẻ đẹp bình dị không dễ nhận ra trong cuộc sống, để  “sống đẹp”. Văn học luôn là tấm gương phản ánh hiện thực, văn học mang giá trị nhận thức. Sống ở thế kỷ 21, qua các tác phẩm văn học trong nhà trường chúng ta vẫn có thể hình dung được cảnh và người trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược từ thời phong kiến đến thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ở Việt Namon>, nhưng các tác phẩm văn học nước ngoài sẽ đưa ta đến với những vùng đất mới, giúp ta nhìn ra thế giới, thấy được cuộc sống của những con người ở phương trời xa lạ. Văn học chứa đựng giá trị tư tưởng tình cảm, qua việc học Văn, ta thêm tự hào về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập của cha ông, căm ghét những hủ tục lạc hậu thời phong kiến, những bóc lột của cường hào ở nông thôn thuở trước, thấy đồng cảm với những số phận bất hạnh và thấy được yêu ghét ở đời. Văn học hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ, giúp ta yêu thêm ánh trăng đêm rằm hay tiếng mưa tí tách trong đêm.

Học phải thi bởi có thi mới đánh giá được kết quả của việc học. Nhưng làm sao để nâng cao nhận thức của việc học Văn  trong nhà trường, để giờ Văn không còn là những tiết học “buồn ngủ” với học sinh, có lẽ mỗi thầy cô giáo dạy Văn nên có những phương pháp dạy phát huy được sự sáng tạo của người học, tránh sự áp đặt trong cách cảm nhận tác phẩm và trên hết phải là một tấm gương về đạo đức để mỗi học sinh noi theo.

Quỳnh Thanh

  • Từ khóa