Thứ 5, 16/01/2025, 20:05[GMT+7]

21,6 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

Thứ 6, 05/09/2014 | 09:48:22
1,197 lượt xem
Theo dự báo của Bộ GDĐT, cả nước sẽ có 21,6 triệu học sinh, sinh viên các cấp tham gia mùa khai giảng năm học 2014-2015.

Hàng chục triệu học sinh, sinh viên đến trường mùa khai giảng năm nay.

Trong đó có hơn 4 triệu trẻ tham gia vào bậc học mầm non, hơn 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 400.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và gần 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.

 

Cũng theo Bộ GDĐT, cả nước hiện có hơn 14.000 trường mầm non, gần 16.000 trường tiểu học, hơn 10.000 trường THCS, PTCS, hơn 2.000 trường THPT, gần 250 trường phổ thông dân tộc nội trú và hơn 600 trường phổ thông dân tộc bán trú.

 

Khối đào tạo có hơn 500 cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có gần 300 trường trung cấp chuyên nghiệp, hơn 200 trường cao đẳng có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và gần 60 trường đại học có đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. Có hơn 400 trường đại học, cao đẳng.

 

Trong năm học 2014-2015, ngành Giáo dục sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Triển khai kế hoạch hành động, thực hiện chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh-xã hội của địa phương, cơ sở giáo dục.

 

Tiếp tục hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của Chính phủ, thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục thống nhất và hiệu quả.

 

Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, thực hiện xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập. Tăng cường điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chăm sóc giáo dục trẻ. Đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn.

 

Tiếp tục mở rộng mô hình trường học mới cấp tiểu học, triển khai thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS, áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục ở các mức độ phù hợp với điều kiện địa phương.

 

Năm học này ngành Giáo dục tiếp tục việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm giảm đầu mối quản lý. Tuy nhiên không thực hiện đồng loạt, đại trà mà tiến hành thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể địa phương.

 

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn cán bộ quản lý. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách với nhà giáo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và hỗ trợ bảo hiểm cho giáo viên mầm non.

 

Cuối cùng là thực hiện đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục. Theo đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; các tỉnh, thành phố ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục, ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa