Thứ 6, 02/08/2024, 21:23[GMT+7]

Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình 35 năm một chặng đường

Thứ 3, 21/10/2014 | 09:01:54
1,646 lượt xem
Với truyền thống quê hương cách mạng “Thóc vượt cân, quân vượt mức” và truyền thống “Tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Ngày 27/10/1979, tại Quyết định số 92/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Trường Dạy chữ dạy nghề cho trẻ tàn tật Thái Bình. Ngôi trường đã đi vào tiềm thức của người dân quê lúa, được gọi bằng cái tên trìu mến “Mái trường tình nghĩa yêu thương”.

Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường.

Những ngày này cách đây 35 năm, khi đất nước vừa được giải phóng, còn ngổn ngang bao khó khăn, bộn bề những công việc xây dựng, khôi phục những công trình bị tàn phá. Đất nước nói chung, Thái Bình nói riêng, mỗi người dân, mỗi tổ chức xã hội gồng mình khắc phục khó khăn, xây dựng đất nước, xây dựng đời sống mới, xây dựng Tổ quốc của những con người được tự do - độc lập.

Hậu quả xã hội mà cuộc chiến để lại, đó là những trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam, trẻ em là con của những người có công cách mạng, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn; ngoài ra, xã hội còn nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa… Trường Dạy chữ dạy nghề cho trẻ tàn tật ra đời từ bối cảnh ấy, với truyền thống quê hương cách mạng “Thóc vượt cân, quân vượt mức” và truyền thống “Tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Ngày 27/10/1979, tại Quyết định số 92/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Trường Dạy chữ dạy nghề cho trẻ tàn tật Thái Bình. Ngôi trường đã đi vào tiềm thức của người dân quê lúa, được gọi bằng cái tên trìu mến “Mái trường tình nghĩa yêu thương”.

Trải dài cùng năm tháng, bao thế hệ thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, đạt được nhiều kết quả nổi bật, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, biểu dương. Ngày 27/6/2007, Trường được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình, trở thành điểm hội tụ của những mảnh đời không may mắn nhưng giàu nghị lực vươn lên. Bên cạnh đó, nhà trường còn được giao nhiệm vụ dạy văn hóa, dạy nghề cho những học sinh thuộc các đối tượng xã hội khác. Thầy cô giáo và các cán bộ của trường từ những ngày mới thành lập đều là bộ đội, cựu thanh niên xung phong vừa trở về từ chiến trường, trên mình vẫn còn nhiều vết thương, thân thể còn găm những mảnh bom, mảnh đạn.

Hình ảnh các thầy cô ngày ấy đến hôm nay người còn, người mất nhưng còn mãi in trong tâm trí các thế hệ học trò, các thế hệ cán bộ, giáo viên sau này. Tấm gương người thầy giáo thương binh như các thầy Đặng Quang Tửu, Nguyễn Ngọc Cư, Nguyễn Đăng Nội, Phạm Văn Thanh…, một thời đạn bom khói lửa rồi lại một thời dạy học, gắn bó cùng sự phát triển và trưởng thành của nhà trường từ ngày thành lập đến khi nghỉ hưu. Ngoài ra, còn rất nhiều thầy cô đã gắn bó với Trường hơn 20 năm như cô Cao Thị Chiền, cô Nguyễn Thiện Luân, cô Nguyễn Hương, thầy Bùi Văn Trượng (Khoa Văn hóa chuyên biệt), cô Bùi Thị Minh, cô Tố Uyên, cô Kim Chung, thầy Bùi Bình (Khoa May), thầy Quang Nhậm, thầy Bùi Xuân Thiêm, thầy Xuân Tuyên (Khoa Mộc)… Khoa Văn hóa chuyên biệt, Khoa May và Khoa Mộc cũng là 3 khoa truyền thống của nhà trường.

Đến Trường Dạy chữ dạy nghề cho trẻ tàn tật Thái Bình năm xưa - Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình hôm nay, ai cũng vui mừng với bề dày truyền thống 35 năm phát triển và trưởng thành, càng ngỡ ngàng hơn bởi “Mái trường tình nghĩa yêu thương” ấy đang từng ngày đổi mới vươn lên, khang trang, sạch đẹp. Đến bất cứ địa phương nào trong cả nước, mỗi người Thái Bình đều nhận được những lời khen Đảng bộ và nhân dân Thái Bình quan tâm chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội hiệu quả đến thế mà hình ảnh Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình là một minh chứng. Năm lần tham dự Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc mà cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường là lực lượng nòng cốt đại diện cho tỉnh, Thái Bình luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như bạn bè toàn quốc đánh giá cao. Bất cứ vận động viên nào của các địa phương khi tranh tài cùng vận động viên Thái Bình cũng để lại tình cảm quý mến, sự tôn trọng vì tinh thần fair play cao nhất.

Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình hôm nay với 4 phòng chức năng, 7 khoa chuyên môn, hơn 1.000 học sinh, sinh viên quây quần học tập sớm khuya. Hơn 70 cán bộ, giáo viên, công nhân viên luôn tận tình, tâm huyết, coi nhà trường là mái ấm gia đình, yêu thương học sinh, sinh viên như con đẻ của mình, chất lượng đào tạo của Trường được khẳng định với mặt bằng chung của tỉnh. Nhà trường là nơi hội tụ của những mảnh đời không may mắn nhưng lại may mắn vì được nhà trường, các thầy cô giáo yêu thương, chăm sóc, sẻ chia, được học hành, được rèn luyện để trở thành những người lao động bình thường, làm vơi đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một học sinh của Trường đã viết: “Trường em như ngọn gió lành - Mỗi khi khát lại biến thành giọt mưa”.

Nguyễn Đức Cường
(Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình)


  • Từ khóa