Chủ nhật, 11/08/2024, 20:21[GMT+7]

Mô hình trường tiểu học mới đầu tiên của tỉnh

Thứ 4, 29/10/2014 | 08:23:45
1,888 lượt xem
Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư) là một trong 1.447 trường tiểu học đầu tiên của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và là trường duy nhất của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại thực hiện mô hình trường tiểu học mới (VNEN). Sau 2 năm triển khai, mô hình VNEN từng bước phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Mô hình trường tiểu học mới đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư ). Trong ảnh: Trưởng ban đối ngoại lớp 3A Trường Tiểu học Tự Tân giới thiệu về lớp.

Mô hình VNEN là kết quả của dự án hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Quỹ Hợp tác giáo dục toàn cầu triển khai thực hiện thí điểm ở cấp tiểu học, giai đoạn 2012 - 2015. Không giống như lớp học truyền thống, mô hình VNEN có nhiều nét mới. Đó là mới trong phương pháp dạy và học, tổ chức quản lý lớp, đánh giá kết quả... Về phương pháp dạy và học, mô hình VNEN lấy hoạt động học làm trung tâm, giáo viên không giảng giải, truyền thụ kiến thức một chiều cho cả lớp mà tập trung theo dõi, hướng dẫn và đánh giá kết quả sau cùng. Học sinh được làm chủ hoạt động học, tự nghiên cứu sách hướng dẫn, phối hợp với đồ dùng học tập để tìm ra kiến thức, trao đổi, thảo luận và trình bày kết quả theo nhóm. Những học sinh hạn chế về nhận thức, ỷ lại, ngại hoạt động thì giáo viên hướng dẫn hoặc bạn bè cùng nhóm trao đổi, hỗ trợ.

Hiện nay, hầu hết học sinh trong Trường đã quen và hứng thú với phương pháp dạy và học của mô hình VNEN. Kiến thức các em có được ngoài sự chỉ dẫn của giáo viên còn là kết quả của sự trao đổi giữa học sinh với học sinh. Bên cạnh đó, mô hình VNEN còn trang bị cho học sinh những kỹ năng sống như: giao tiếp, hợp tác và đánh giá nhau thông qua hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm bám sát sự kiện và những ngày lễ lớn trong năm. Trong cách đánh giá, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn ghi nhật ký chi tiết, cụ thể từng học sinh qua từng môn nhằm phản ánh thực chất quá trình học tập, rèn luyện của các em trên nhiều lĩnh vực như kiến thức, năng lực, phẩm chất người học.

Trong quản lý lớp học, mô hình VNEN không có lớp trưởng, lớp phó, thay vào đó là hội đồng tự quản và các ban học tập, sức khỏe, vệ sinh, văn nghệ, thể dục, đối ngoại. Tham dự giờ học lớp 3A, sau lời giới thiệu của cô giáo, một bạn nhỏ là trưởng ban đối ngoại đứng lên và giới thiệu khái quát về sĩ số, tình hình lớp học. Tự tin và mạnh dạn là điều chúng tôi có thể cảm nhận được từ các em. Hiện nay, 15/15 lớp trong Trường có hội đồng tự quản hoạt động thường xuyên, phát huy được hiệu quả xây dựng và duy trì các hoạt động của lớp. Học sinh tại các khối 2, 3, 4 được ngồi theo nhóm và thảo luận theo sự điều hành của nhóm trưởng.

Dụng cụ học tập của mô hình VNEN đa dạng và đòi hỏi tính sáng tạo, giáo viên, học sinh có thể sưu tầm hay tự làm mới. Sách hướng dẫn có thiết kế hình, chữ, logo khoa học rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, trong sách hướng dẫn có phần yêu cầu liên hệ và ứng dụng thực tế cần sự giúp đỡ của bố mẹ, người thân trong gia đình. Vì thế, phụ huynh biết được con mình đang học gì, học thế nào và cùng tham gia hướng dẫn con, qua đó thấy được lực học của con em mình để phối hợp với nhà trường giúp các em đạt hiệu quả cao nhất. 

Học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư) ngồi học theo nhóm, dưới sự điều hành của các nhóm trưởng.

Về không gian lớp học, lớp học theo mô hình VNEN khác so với lớp học truyền thống. Các phòng học được thiết kế theo hướng mở, đưa thiên nhiên đến với lớp học, tạo môi trường học tập thân thiện, sinh động, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Mỗi lớp đều có các góc sáng tạo, học tập vui, thư viện, truyền thống, bản đồ cộng đồng và 10 bước học tập. Bên cạnh đó, ở các lớp có hòm thư “Điều em muốn nói”. Hòm thư này giúp học sinh có thể tâm sự với giáo viên, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống với bạn bè.

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình VNEN không chỉ trang bị cho học sinh trong Trường kỹ năng ứng xử, giao tiếp cần thiết mà còn góp phần nâng cao chất lượng học tập. So với những năm trước, năm học 2013 - 2014 có tỷ lệ học sinh đạt loại xuất sắc, tiên tiến cao hơn. Cụ thể, khối 2 tỷ lệ học sinh loại xuất sắc đạt 27%, tiên tiến đạt 40,6%; khối 3 có 32,2% học sinh xuất sắc và 40,2% học sinh tiên tiến. Riêng khối 4, số lượng học sinh tiên tiến cao hơn với 46,2% và 37,4% học sinh xuất sắc. Thành công bước đầu của mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Tự Tân trong tổ chức quản lý lớp theo hội đồng tự quản và đổi mới không gian lớp học đã được nhiều trường tiểu học khác trong tỉnh tới tham khảo, học hỏi. Hiện nay, 35/35 trường tiểu học của huyện Vũ Thư đã áp dụng mô hình VNEN trong trang trí lớp học thân thiện và tổ chức lớp theo hội đồng tự quản.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình VNEN, Trường còn gặp một số khó khăn trong việc tổ chức lớp học. Cô giáo Hoàng Thị Xuân, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A chia sẻ: Để giúp học sinh làm quen với phương pháp dạy và học mới đòi hỏi giáo viên, học sinh cần có thời gian bồi dưỡng các kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác, đánh giá của mỗi thành viên trong nhóm, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ cho nhóm trưởng. Những học sinh có lực học yếu, trung bình sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài nếu như giáo viên không hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời.

Cô giáo Đinh Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tự Tân cho biết: Trường sẽ tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức để cộng đồng hiểu rõ mục tiêu, phương pháp và kết quả của mô hình này. Nhằm giữ vững và phát huy kết quả đã đạt được, Trường xác định cần bảo đảm quy mô số lớp, số học sinh học tập theo mô hình VNEN.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa