Thứ 3, 02/07/2024, 16:23[GMT+7]

Chú trọng nâng cao phẩm chất, đạo đức nhà giáo

Thứ 5, 20/11/2014 | 08:36:26
2,530 lượt xem
Năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục và Ðào tạo Thái Bình tiếp tục đạt được nhiều thành tích với những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo. Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Ðào Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo để tìm hiểu thêm về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong giai đoạn hiện nay.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thành tích nổi bật ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đạt được trong năm học vừa qua?

 

Ðồng chí Ðào Kim Phượng: Năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục và Ðào tạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tặng Bằng khen. Kết quả ấn tượng và nổi bật trong năm học vừa qua là trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có 60 học sinh dự thi đạt giải trong đó có 3 giải nhất, 15 giải nhì, 25 giải ba và 17 giải khuyến khích. Các đội tuyển học sinh giỏi tham dự đều đạt giải trong đó có 3 đội đạt 100% số giải, đó là các đội tuyển: Ngữ văn, Hóa học và Tiếng Anh. Trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế tổ chức tại Nam Phi, em Trần Hồng Quân, cựu học sinh lớp 12 Toán 1 Trường THPT Chuyên Thái Bình đã đạt Huy chương Vàng với điểm cao nhất của đoàn Việt Nam. Ðây là niềm tự hào của giáo dục Thái Bình nói chung, là kết quả của nhiều năm nỗ lực phấn đấu của thầy và trò Trường THPT Chuyên Thái Bình nói riêng. Bên cạnh đó, trong năm học vừa qua, tỉnh ta có 6 đề tài tham dự cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc của học sinh đạt giải; dự thi Giáo viên thư viện giỏi toàn quốc đoạt giải nhất toàn đoàn… Trong kỳ thi tuyển sinh Ðại học năm 2014, toàn tỉnh có 4 thủ khoa, 568 học sinh đạt 24 điểm trở lên.

 

Học sinh Trường Mầm non Quang Trung (thành phố Thái Bình) tập thể dục đầu giờ sáng.

 

Phóng viên:  Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy là yếu tố rất quan trọng. Xin đồng chí cho biết, ngành đã có những giải pháp như thế nào để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên?

 

Ðồng chí Ðào Kim Phượng: Xác định rõ vai trò của người thầy trong sự nghiệp “trồng người”, những năm qua Sở Giáo dục và Ðào tạo luôn quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên theo chuẩn mới. Toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay, ngành có 24.114 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó trên 50% giáo viên các cấp có trình độ trên chuẩn. Công tác tuyển dụng giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy chế. Công tác bố trí, sắp xếp, đánh giá, phân loại, bổ nhiệm, thuyên chuyển, điều động, luân chuyển cán bộ thực hiện đúng quy trình, phát huy hiệu quả. Các nhà trường đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; tạo mọi điều kiện cho cán bộ, giáo viên tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Sở và các Phòng Giáo dục và Ðào tạo tổ chức bồi dưỡng cán bộ giáo viên theo các chuyên đề về nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn và công tác chủ nhiệm lớp. Ðặc biệt tập trung mở các lớp bồi dưỡng giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, an toàn giao thông, giáo dục môi trường và thực hiện các nội dung giáo dục địa phương. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn và tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giám đốc Trung tâm GDTX theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

 

Phóng viên: Ðồng chí có chia sẻ gì về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong giai đoạn hiện nay?

 

Ðồng chí Ðào Kim Phượng: Từ ngàn xưa, dù chưa có ngày Nhà giáo thì tinh thần “Tôn sư trọng đạo” đã là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, một số quan niệm về giá trị có thay đổi theo sự phát triển của xã hội nhưng tinh thần ấy vẫn được xã hội trân trọng và giữ gìn. Nhân dân ta luôn coi trọng người thầy và quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” chính là đạo lý làm người. Trong các chính sách phát triển đất nước, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thực tế cho thấy, qua bao nhiêu khó khăn, người thầy vẫn là “người đưa đò” thầm lặng mang con chữ, tri thức và trí tuệ đến với các thế hệ học sinh. Ngày nay, cùng đất nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với nhiều cơ hội và thách thức, hàng vạn thầy cô giáo vẫn luôn dành trọn tình yêu thương và trách nhiệm cao với sự nghiệp “trồng người”, phấn đấu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đủ phẩm chất, đạo đức và tri thức khoa học để xây dựng đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu".

 

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh" và “Dù khó khăn đến đâu vẫn phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mãi mãi là nét đẹp của con người, dân tộc Việt Nam chúng ta.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.

Lan Anh

(Thực hiện)

 

  • Từ khóa