Thứ 5, 08/08/2024, 08:17[GMT+7]

Ðổi mới giáo dục bậc tiểu học : Cần sự kết hợp từ nhiều phía (Kỳ I)

Thứ 3, 09/12/2014 | 09:19:33
1,448 lượt xem
Thông tư số 30/2014/TT-BGDÐT do Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành ngày 28/8/2014 quy định về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ ngày 15/10. Chỉ thị số 5105/CT-BGDÐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành ngày 3/11/2014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trong đó có nội dung nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, khuyến khích để sách vở, đồ dùng tại lớp. Những quy định trên đang nhận được rất nhiều ý kiến từ cán bộ quản lý, giáo viên

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (huyện Đông Hưng) trong giờ luyện tập môn Toán học.

Kỳ 1: Cán bộ quản lý giáo dục đồng thuận cao với chủ trương mới

Phụ huynh, học sinh cùng tham gia đánh giá, nhận xét

Ngay sau khi Thông tư 30 và Chỉ thị 5105 được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xuống các phòng giáo dục - đào tạo và các trường tiểu học trong toàn tỉnh. Công tác triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được  thực hiện nghiêm, hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên đã nắm được tinh thần chỉ đạo của Thông tư. Đầu tháng 10/2014, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học theo các nội dung: mục đích, nguyên tắc, nội dung, cách thức đánh giá đối với các môn tự nhiên, xã hội, các hoạt động giáo dục, năng lực phẩm chất của học sinh tiểu học. Thông tư 30 nêu rõ mục đích của việc đánh giá là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những hạn chế của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ các em trong quá trình học tập, rèn luyện. Với Thông tư này, giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ cùng tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của các em. Tất cả các học sinh đều được giáo viên quan tâm đánh giá nhưng khi viết nhận xét hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, không bắt buộc phải ghi nhận xét đối với tất cả học sinh; giáo viên không được lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu. Vào cuối học kỳ và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ. Đây là hồ sơ chứng nhận mức độ hoàn thành chương trình và xác định những nhiệm vụ, những điều cần khắc phục, giúp đỡ đối với từng học sinh khi bước vào học kỳ II và đầu năm học tiếp theo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Thực hiện Thông tư 30 sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của giáo viên với học sinh, là khâu đột phá trong đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá của giáo dục tiểu học hiện nay. Với cách đánh giá mới này, học sinh được giảm nhiều áp lực về điểm số, giảm sự so sánh điểm số giữa các em. Vì vậy, ngành đã chỉ đạo tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và người dân để hiểu sâu sắc hơn về hình thức nhận xét, đánh giá. Tuy nhiên, việc không dùng điểm số đã tạo ra áp lực đối với cán bộ, giáo viên. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện những biện pháp hỗ trợ giáo viên và nâng cao nhận thức của nhân dân về việc nhận xét, đánh giá thay hình thức cho điểm. Với những nhận xét của giáo viên, phụ huynh học sinh có thể đưa ra những nhận xét ngược lại để từ đó tăng cường sự liên kết giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, học sinh có thể tự đánh giá và đánh giá, nhận xét các bạn trong lớp để tăng cường sự giao tiếp, hợp tác, có hứng thú học tập và rèn luyện để cùng nhau tiến bộ. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm: Ở tỉnh ta, số lượng học sinh khuyết tật học tại các trường chủ yếu học theo phương thức giáo dục hòa nhập. Đối với các trường ở khu vực thành phố, thị trấn do có nhiều học sinh trong một lớp nên giáo viên gặp khó khăn hơn trong quá trình quan sát, giáo dục và nhận xét từng học sinh. Chính vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường cần quan tâm hơn nữa đến nhóm học sinh này, giúp các em được sống, học tập và hòa nhập trong một môi trường giáo dục lành mạnh.

Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm giao bài tập về nhà khi đã học 2 buổi

Ngày 7/11, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 5105 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ở giáo dục tiểu học. Sau hơn hai tuần thực hiện, nhìn chung tình trạng dạy thêm, học thêm tại nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực thành phố Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ thị nêu rõ: đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Hiện nay, nội dung này đang nhận được sự quan tâm của nhiều cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Ông Lê Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết: Ngay trong ngày 7/11, đường dây nóng của ngành Giáo dục nhận được thông tin phản ánh có 2 giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Thái Bình) tổ chức dạy thêm tại nhà, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với 2 giáo viên này. Qua xác minh, tại thời điểm đó, cả 2 giáo viên đều không tổ chức dạy thêm ở nhà. Đây chỉ là một trong số những phản ánh của người dân được Sở, các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố kịp thời nắm bắt tình hình và kiểm tra đột xuất. Ngay từ năm học 2013 - 2014, Sở đã chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường, đồng thời yêu cầu tất cả giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm dưới mọi hình thức với trường học nơi mình công tác và có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ tạm đình chỉ đứng lớp và kiên quyết xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Hiện nay, nhiều cán bộ quản lý đồng tình với việc nghiêm cấm giao bài tập về nhà khi học sinh đã học 2 buổi tại trường. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Hiện nay, chương trình nâng cao hơi quá sức so với lứa tuổi tiểu học. Mỗi ngày, các em phải mang một cái ba lô nặng từ 3kg đến 5kg đến trường; về nhà, các em lại tiếp tục làm bài tập về nhà. Với thời gian biểu như vậy liệu các em có được sống và vui chơi với đúng lứa tuổi của mình? Theo tôi, việc học 2 buổi/ngày hoàn toàn phù hợp với thời lượng của sách giáo khoa và sức khỏe của học sinh. Thời gian buổi tối ở nhà để các em thư giãn sau một ngày học tập căng thẳng. Bên cạnh đó, việc không giao bài tập về nhà giúp phụ huynh không phải kèm các con học, có thể cùng con học hát, học vẽ hoặc chơi một số trò chơi. Ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm tra đột xuất các trường hợp được phản ánh qua đường dây nóng và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Quán triệt tinh thần Chỉ thị 5105, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các sân chơi trí tuệ. Đây là năm đầu tiên triển khai đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá và không giao bài về nhà cho học sinh nên việc thực hiện chắc chắn còn nhiều hạn chế cần được tiếp tục rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên trong ngành, hy vọng việc triển khai Thông tư 30 và Chỉ thị 5105 sẽ thực sự tạo ra bước đột phá trong công tác đổi mới giáo dục bậc tiểu học.

(Còn nữa)

Đặng Anh

  • Từ khóa